Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thường trực HĐND tỉnh

Thứ năm - 17/03/2022 04:45
Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Điều 30, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội.
Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của cơ quan dân cử và của người đại biểu nhân dân. Tại tỉnh Bình Phước, trong những năm gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo tập thể, đông người, vượt cấp vẫn còn xảy ra. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm canh lấn chiếm trái phép và đơn giá, chính sách giải tỏa đền bù của Nhà nước khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh,… Trong đó, nhiều trường hợp đã giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện đến nhiều nơi và gửi đơn đến trụ sở Ban tiếp công dân của trung ương để yêu cầu Nhà nước tiếp tục xem xét, giải quyết. 

I. Một số kết quả đạt được hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thường trực HĐND tỉnh

Xác định công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh, do đó trong thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh đã có nhiều cố gắng tổ chức tốt công tác này như sau:

- Về tiếp công dân: Thường trực HĐND tỉnh thực hiện nghiêm việc tiếp công dân tại trụ sở Ban Tiếp công dân của tỉnh theo lịch chung của lãnh đạo tỉnh. Các buổi tiếp công dân của Thường trực HĐND tỉnh có các ngành chức năng tham gia như: Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Ban tiếp công dân tỉnh và một số sở, ngành liên quan của tỉnh để cung cấp thông tin về quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Tại các buổi tiếp công dân, đối với những vụ việc đã có quyết định giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền, đúng quy định và hợp tình, hợp lý, Thường trực HĐND tỉnh giải thích, động viên công dân chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; đối với những vụ việc chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết chưa thỏa đáng thì giải thích, hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật hoặc ghi nhận để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Sau các buổi tiếp công dân, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp Ban Tiếp công dân của tỉnh ban hành thông báo kết luận tiếp công dân cho từng vụ việc cụ thể, gửi đến các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan biết để thực hiện. Trung bình mỗi năm, Thường trực HĐND tỉnh tham gia 12 đợt tiếp công dân tại Trụ sở Ban tiếp dân của tỉnh. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh còn tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở làm việc, chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh bố trí một công chức cùng tham gia tiếp công dân, tham mưu Thường trực HĐND tiếp nhận xử lý đơn, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo luật định; giải thích vận động công dân chấp hành các quyết định đã có hiệu lực pháp luật và theo dõi việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. 

- Về công tác tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân của Thường trực HĐND tỉnh: Ngoài việc tiếp nhận qua bưu điện, nhận trực tiếp tại trụ sở làm việc, tại các buổi tiếp công dân và tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh còn thiết lập đường dây nóng và hộp thư điện tử giúp người dân thuận tiện trong việc báo tin và yêu cầu hướng dẫn, tư vấn về việc gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo, giúp cho việc gửi đơn của công dân đúng thể thức, nội dung, gửi đúng cơ quan có thẩm quyền, hạn chế tình trạng đơn lưu. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, đường dây nóng và hộp thư điện tử là phương tiện kết nối giữa người dân và Thường trực HĐND tỉnh, giúp chuyển tải kịp thời các yêu cầu khiếu nại, tố cáo của người dân. Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận hướng dẫn 75 trường hợp công dân có yêu cầu khiếu nại qua điện thoại và hộp thư điện tử. Tất cả các đơn, thư gửi đến Thường trực HĐND tỉnh đều được xử lý đúng thời hạn, quy trình, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết và hướng dẫn cụ thể công dân nắm rõ. Đa số các cơ quan có thẩm quyền phối hợp tốt trong việc giải quyết đơn, thư do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến. Tỷ lệ đơn, thư giải quyết trễ hạn giảm. Công tác phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị do công dân gửi đến được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thực hiện đúng quy định tại điều 8, điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 và điều 22, điều 23 Luật Tố cáo năm 2020. 

- Về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và là một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực hiện chức năng giám sát theo quy định của pháp luật, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND tỉnh và các ngành chức năng; xem xét báo cáo định kỳ của UBND tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực HĐND tỉnh ban hành một số văn bản đề nghị UBND các cấp và một số sở, ngành trong tỉnh giải quyết và đôn đốc việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Qua giám sát, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được UBND các cấp quan tâm hơn, đúng luật hơn, giảm tải được lượng đơn, thư tồn đọng, kéo dài, vượt cấp.
II. Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thường trực HĐND tỉnh

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm thực hiện, nhưng nội dung, hình thức chưa sâu, chưa phù hợp với từng đối tượng, từ đó chưa thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu của Nhân dân nên hiệu quả đạt được chưa cao. Mặt khác, mức độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, trong khi vai trò của các tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý chưa được phát huy. 

- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Một số trường hợp khiếu nại, tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn chậm, kéo dài, dẫn đến việc công dân gửi đơn thường xuyên đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết dứt điểm; việc thi hành các quyết định giải quyết đã có hiệu lực của các cấp vẫn còn tồn đọng khá nhiều, từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và gây bức xúc trong Nhân dân; việc các cơ quan trung ương có văn bản chuyển đơn về địa phương đề nghị rà soát, xử lý khi nội dung đơn đã có quyết định giải quyết cuối cùng, hợp tình, hợp lý, cũng là nguyên nhân công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và gây áp lực với cơ quan dân cử và các cơ quan chức năng; Một số quy định pháp luật không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, tình trạng đơn, thư đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định pháp luật, tuy nhiên người dân không chấp hành, khiếu nại nhiều lần, chủ yếu là lĩnh vực đất đai.

- Hiện tại, chưa có phần mềm lưu trữ và tra cứu liên thông dành cho đơn, thư khiếu nại, tố cáo từ trung ương đến địa phương. Thường trực HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý đơn, thư nắm tình hình thông qua phối hợp, trao đổi bằng văn bản. Do đó, việc tra cứu bị hạn chế, một số đơn, thư đã lâu khó nắm thông tin nên chưa bảo đảm tính kịp thời.

III. Một số bài học kinh nghiệm trong hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thường trực HĐND tỉnh

Thứ nhất: Thường trực HĐND tỉnh luôn nắm vững các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh đối với công tác tiếp công dân:

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư của Thường trực HĐND tỉnh được quy định trong nhiều Luật, các văn bản pháp luật khác nhau và chủ yếu áp dụng thực hiện tại các quy định sau:

- Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2020; Luật Tiếp công dân năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Khiếu nại, Tố cáo và Tiếp công dân;

- Điều 47, điều 66 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân  năm 2015;

- Điều 95 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Nắm vững các quy định pháp luật không chỉ giúp Thường trực HĐND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ mà còn giúp cho hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng chồng chéo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời quyền lợi chính đáng của công dân.

Thứ hai: chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn, thư:
Bên cạnh việc nắm vững các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư cũng là nội dung được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm và thực hiện tốt. Cụ thể, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh bố trí Phòng tiếp công dân riêng tại Trụ sở làm việc, đảm bảo tốt việc trình bày nội dung của công dân và việc tiếp nhận, hướng dẫn của bộ phận tiếp nhận đơn, thư; trang bị đầy đủ máy vi tính, máy tính xách tay, máy in, đường truyền kết nối mạng internet cho công chức văn phòng, nhằm đảm bảo công tác xử lý đơn, thư đúng thời gian, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho công dân. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, để hoạt động tiếp công dân được diễn ra liên tục và đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch, Thường trực HĐND tỉnh chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong hoạt động tiếp công dân, chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trang bị bộ phận trực đo thân nhiệt, khai báo y tế và rửa tay sát khuẩn cho công dân trước khi vào trụ sở; bố trí phòng tiếp công dân đảm bảo khoảng cách các vị trí ngồi theo đúng quy định phòng, chống dịch bệnh covid - 19. 

Thứ ba: đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm về hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn: Vào đầu mỗi năm, Thường trực HĐND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động cho cả năm, trong đó có hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Thông qua việc tổng kết hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân của năm trước, Thường trực HĐND tỉnh cân nhắc, sắp xếp quy định thời gian và phân công cụ thể trách nhiệm tiếp công dân của Thường trực HĐND và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh; chỉ đạo hoạt động tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; dự kiến kế hoạch khảo sát đơn, thư của công dân trong năm.

Thứ tư: Phối hợp tốt với Đoàn ĐBQH, UBND, BTTUBMTTQVN tỉnh và các Sở, ban, ngành của tỉnh trong việc giải quyết đơn, thư: 

Thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh trong việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực HĐND tỉnh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, BTTUBMTTQVN tỉnh và các sở, ngành liên quan như: Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm nắm thông tin về quá trình giải quyết đơn, thư của các cơ quan có thẩm quyền, giúp công tác xử lý đơn, thư đúng trình tự, hạn chế tình trạng xử lý đơn trùng. Quy chế cũng quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, định kỳ 6 tháng/lần gửi thông báo tình hình kết quả tiếp nhận, xử lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đến Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, đồng thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm và cuối năm. 

Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp công dân và xử lý đơn, thư:
Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND. Trong thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước luôn chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, trong đó có công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư: Các văn bản chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đều được gửi qua hệ thống thông tin điện tử, giúp tiết kiệm văn bản giấy, thời gian nhận văn bản nhanh và công tác lưu trữ, tìm kiếm được thuận tiện: Các văn bản trả lời đơn đều được Thường trực HĐND tỉnh đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân tỉnh để các cơ quan có liên quan và công dân tra cứu, theo dõi; Thường trực HĐND tỉnh quán triệt sử dụng hộp thư điện tử công vụ tỉnh Bình Phước, phần mềm zalo để trao đổi công việc, đồng thời ứng dụng chữ ký số vào việc ký phát hành văn bản, giúp việc trao đổi công việc, trình ký, xin ý kiến lãnh đạo về việc xử lý đơn, thư được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp công dân và xử lý đơn, thư của Thường trực HĐND tỉnh giúp các thông tin được trao đổi, xử lý nhanh chóng, kịp thời; tăng hiệu suất xử lý công việc; thông tin về việc tiếp công dân và xử lý đơn, thư được tuyên truyền rộng rãi, đáp ứng tính công khai, minh bạch trong hoạt động.   

IV. Giải pháp thực hiện khắc phục các tồn tại, hạn chế

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề ra một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Tăng cường tập huấn về công tác tiếp công dân và quy trình xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với đại biểu HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ hai: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Luật Khiếu nại, Tố cáo, và Tiếp công dân. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cần sớm ban hành dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, cân nhắc nội dung các điều luật theo hướng quy định rõ vấn đề thẩm quyền của các cơ quan có liên quan; các chính sách đất đai; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án kinh tế - xã hội. 

Thứ ba: Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền rà soát, xem xét giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự, quy định của pháp luật, những vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan Trung ương, đề nghị các cơ quan tiếp công dân ở Trung ương xem xét, có văn bản trả lời rõ ràng, dứt khoát cho công dân biết có thụ lý, giải quyết hay không hoặc xét thấy việc giải quyết đã đúng quy định thì giải thích cho công dân hiểu và chấp hành, tránh tình trạng ban hành văn bản chuyển về địa phương đề nghị xem xét, giải quyết, làm cho người dân nhận thức chưa đúng và tiếp tục yêu cầu giải quyết lại, gây áp lực đối với địa phương. 

Thứ tư: Tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan để người dân nắm rõ; nâng cao vai trò của các tổ chức hỗ trợ tư vấn pháp lý ở địa phương. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi trọng và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và các cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư cùng phối hợp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ năm: Thường trực Hội đồng nhân dân cần tăng cường công tác giám sát đối với các cơ quan chức năng, nhất là đối với UBND các cấp và cơ quan tư pháp. Thường xuyên tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. 

Thứ sáu: Sớm triển khai áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử kết nối về việc tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở cấp tỉnh và trung ương để phục vụ các cơ quan dân cử theo dõi quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, tránh tình trạng chuyển đơn trùng lặp, giảm áp lực cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời cũng là kênh để địa phương nắm rõ tình hình khiếu kiện của công dân trong tỉnh./.

Nguồn tin: Mỹ Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Lịch Đoàn ĐBQH
Lich lv HDND
LICH CŨ

Số 232/TB-HĐND

Thông báo kết quả kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thời gian đăng: 21/07/2024

lượt xem: 213 | lượt tải:96

Số 235/HĐND

Về việc hướng dẫn tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 15 (giữa năm 2024), HĐND tỉnh khóa X

Thời gian đăng: 21/07/2024

lượt xem: 143 | lượt tải:63

Số: 228/TB-HĐND

Thông báo kết quả kỳ họp thứ 14 (chuyên đề) của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thời gian đăng: 18/07/2024

lượt xem: 243 | lượt tải:67
Bpdt
Tài liệu kỳ họp tiếp theo
Nội dung các kỳ họp
Hoat dong giam sat hdnd
Tai lieu hdgs dbqh
Tiếp xúc cử tri
txct dbqh
ECABINET
gui y kien
Liên kết website
WEB QH
Thống kê
  • Đang truy cập45
  • Tháng hiện tại188,351
  • Tổng lượt truy cập4,748,340