Tiếp xúc cử tri là nhiệm vụ quan trọng, đặc thù của đại biểu dân cử, hoạt động không thể thiếu trước và sau mỗi kỳ họp thường lệ của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri để thông tin đến cử tri về nội dung, chương trình và kết quả các kỳ họp Quốc hội, đồng thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại địa bàn bầu cử. Trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, đây là 02 cơ sở pháp lý vững chắc, giúp đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp xúc cử tri.
Thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã đi vào nề nếp, công tác chuẩn bị, tổ chức và phối hợp với các ngành được thực hiện chu đáo, việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri được đầy đủ, chuyển đến đúng cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết để trả lời đến cử tri. Các đại biểu Quốc hội tỉnh ngày càng tăng cường hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân. Cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh có ý thức cao hơn trong việc tham gia các buổi tiếp xúc cử tri, đề đạt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với các cấp ủy Đảng, chính quyền và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nhằm phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, QH khóa XV, tại thành phố Đồng Xoài
Theo quy định tại điều 5 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội gồm có tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau các kỳ họp Quốc hội; tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Với các hoạt động tiếp xúc cử tri như đã nêu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có thể tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri hoặc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri. Triển khai thực hiện quy định nêu trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri theo quy định, định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua 10 năm triển khai thực hiện, từ ngày 01/01/2013 đến 31/12/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã tổ chức 386 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ tại các đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh. Chương trình tiếp xúc cử tri được thực hiện theo trình tự đúng quy định tại điều 5 Nghị quyết số 525. Đa số các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cử tri tham gia đông, cử tri tham gia phát biểu sôi nổi, trách nhiệm; các sở, ban, ngành của tỉnh, Thường trực HĐND, UBND và các phòng chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố cử đại diện cùng tham gia các buổi tiếp xúc cử tri để trả lời, giải đáp những vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền, nhờ đó việc theo dõi thông tin và giải trình kiến nghị cử tri kịp thời và hiệu quả. Đối với hình thức tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước chủ động, linh hoạt trong việc hướng dẫn các đại biểu Quốc hội liên hệ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực UBMTTQVN các xã, phường, thị trấn tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri lồng ghép vào các buổi sinh hoạt khu dân cư và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cơ quan, họp Chi bộ cơ quan…. Đối với hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện đạt nhiều hiệu quả với các chuyên đề và lĩnh vực như: kinh tế - xã hội; chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng; chính sách đối với doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; nông nghiệp, nông thôn; điện sinh hoạt; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; giáo dục; bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; ngân hàng; về chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước và chế độ, chính sách của đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nhân dân,… Từ ngày 01/01/2013 đến 31/12/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã tổ chức được 16 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Toàn cảnh Hội nghị TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh tại xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản sau kỳ họp thứ 3, QH khóa XV
Công tác chuẩn bị cho các buổi tiếp xúc cử tri luôn được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện chu đáo. Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có kế hoạch phân công đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử, bên cạnh đó, tùy vào tình hình cụ thể và đề xuất, kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện luân chuyển địa bàn tiếp xúc cử tri giữa các vị đại biểu Quốc hội tỉnh để nắm tình hình và giải quyết các kiến nghị của cử tri. Đồng thời, tổ chức cho một số đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri kết hợp với vai trò đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh để tăng tính phối hợp công tác giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nhằm tiếp thu nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, thực hiện quy định tại điều 21 Nghị quyết số 525, các đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo đến cử tri về dự kiến nội dung, chương trình và kết quả kỳ họp Quốc hội; nội dung các luật, nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp; tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tỉnh; kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri; kết quả thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và việc thực hiện chương trình hành động mà đại biểu đã hứa trước cử tri; những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm hoặc những vấn đề cử tri yêu cầu được thông tin, trao đổi. Sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ đạo công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Phú Riềng trước kỳ họp thứ 4, QH khóa XV
Về công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện hoạt động tiếp xúc cử tri: Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo cơ chế phối hợp cùng với Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp ở địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan truyền thông ở địa phương và một số cơ quan liên quan khác. Thực hiện các quy định pháp luật liên quan, các cơ quan phối hợp tốt với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong hoạt động tiếp xúc cử tri, giúp cho công tác tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri và việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri đạt hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng còn một số hạn chế, tồn tại như: đa số đại biểu Quốc hội tỉnh hoạt động kiêm nhiệm, do đó việc bố trí thời gian tham gia tiếp xúc cử tri còn hạn chế, chủ yếu tham gia tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử, các hình thức tiếp xúc khác như tiếp xúc cử tri nơi làm việc, nơi cư trú chưa được thực hiện thường xuyên; khoảng cách thời gian giữa đợt tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp ngắn, do đó có một số các ý kiến, kiến nghị cử tri trùng lắp; tại một số buổi tiếp xúc cử tri, số lượng cử tri tham gia còn hạn chế; tình trạng cử tri bức xúc, gây mất trật tự tại buổi tiếp xúc cử tri vẫn còn xảy ra; hoạt động tiếp xúc cử tri đôi khi còn mang tính hình thức, các vấn đề cử tri quan tâm đề xuất, kiến nghị chậm được giải quyết; việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của một số cơ quan trung ương còn chậm, thiếu tính kịp thời; việc giải trình ý kiến, kiến nghị cử tri của một số sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân một số địa phương có lúc chưa đáp ứng nguyện vọng của cử tri; việc tham gia các buổi tiếp xúc cử tri của các sở, ban, ngành do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mời hiệu quả chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
- Thứ nhất, tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội và Đảng bộ tỉnh Bình Phước về công tác phối hợp hoạt động giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với các cơ quan ở địa phương; tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp công tác 4 bên giữa Thường trực HĐND, Đoàn ĐBQH, UBND và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh. Thường xuyên theo dõi việc thực hiện quy chế của các cơ quan, đánh giá chính xác hiệu quả và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, kịp thời đề nghị các cơ quan tổ chức họp rút kinh nghiệm và sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp.
- Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực UBTWMTTQVN nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 525 và các văn bản luật liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tham gia tiếp xúc cử tri và giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan liên quan; có chế tài nghiêm đối với những trường hợp chậm giải quyết hoặc không giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri do đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến.
- Thứ ba, tăng cường thực hiện các hình thức tiếp xúc cử tri theo quy định, nâng cao vai trò của từng đại biểu Quốc hội đối với công tác tiếp xúc cử tri và ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, cần nêu cao vai trò đại biểu dân cử, sắp xếp công việc, bố trí quỹ thời gian cho hoạt động dân cử, tăng cường tham gia các hoạt động chung của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh như tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát, khảo sát…, tăng cường nghiên cứu tài liệu và tham gia phát biểu ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội.
- Thứ tư, tăng cường công tác hướng dẫn pháp luật của các cơ quan trung ương, làm cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện, giải quyết dứt điểm ý kiến kiến nghị, phản ánh của cử tri; tăng cường công tác rà soát pháp luật, giúp phát hiện những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi, kịp thời ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, giúp cho các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước tốt hơn./.