Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có 3 huyện biên giới là Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh với chiều dài đường biên 260,433km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Campuchia (Mondulkiri, Kratié, Tabong Khmum). Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu và một lối mở, trong đó có một cửa khẩu quốc tế (Cửa khẩu Hoa Lư). Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nên Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng.
* "ĐỊA CHÍ BÌNH PHƯỚC": TỔNG QUAN VỀ TỰ NHIÊN - DÂN CƯ, LỊCH SỬ - SỰ KIỆN - NHÂN VẬT, CÁC HUYỆN - THỊ XÃ, KINH TẾ, VĂN HÓA - XÃ HỘI CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC Bình Phước có diện tích 6.876,6 km2 (số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016). Nơi đây là nơi cư trú của 41 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ lớn (trên 195.000 người - theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh), chiếm hơn 19,6%, đa số là người S’Tiêng, một số ít là người Hoa, Khmer, Nùng, Tày... Toàn tỉnh Bình Phước có 994.679 nhân khẩu, trong đó nam 501.473 người, chiếm 50,42% và nữ 493.206 người, chiếm 49,58% so với năm 2009; có 273.399 hộ, tăng 25,07% số tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009; mật độ dân số bình quân toàn tỉnh là 145 người/km2 (theo số liệu của Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Bình Phước). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả tỉnh năm 2018 đạt 590.329 người, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc theo thành phần kinh tế năm 2018 đạt 573.586 người.
So với các vùng khác trên cả nước, Bình Phước được xem là một vùng đất trẻ. Nơi đây chỉ thực sự được coi là “thức tỉnh” kể từ khi thực dân Pháp đánh chiếm lục tỉnh Nam Kỳ (trong đó có vùng đất Bình Phước), thiết lập ách cai trị, xây dựng đồn điền cao su, thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa. Trước sự đàn áp, bóc lột và cai trị hà khắc của thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ, cư dân trên vùng đất Bình Phước không ngừng nổi dậy đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Người trước ngã, người sau nối bước, không sợ hy sinh, gian khổ, quân và dân Bình Phước đã ghi vào sử sách những dấu son chói lọi cùng với các địa danh không thể nào quên như Phú Riềng Đỏ, Căn cứ Tà Thiết, sóc Bom Bo...
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Bình Phước bước vào thời kỳ mới khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua nhiều lần tách, nhập về hành chính, đến ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Phước được tái lập và đi vào hoạt động. Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 11 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Chơn Thành, Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phú Riềng.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí không xa Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước - lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển thương mại, du lịch và xuất khẩu... Trong năm 2019, toàn tỉnh có 8 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, hơn 30 nhà phân phối và 6.500 cửa hàng kinh doanh tạp hóa, cửa hàng tiện lợi đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, gia tăng hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, toàn tỉnh đón khoảng 912.270 lượt khách tham quan (khách nội địa 879.860 lượt, khách quốc tế 32.410 lượt), doanh thu đạt khoảng 570,7 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ 2018). Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước thực hiện 2.370 triệu USD, nhập khẩu ước thực hiện 1.450 triệu USD.
Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu... đã tạo nên tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của Bình Phước. Năm 2019, toàn tỉnh hiện có 423.970ha cây lâu năm (cây ăn quả các loại 11.795ha, cây công nghiệp lâu năm hiện có 411.611ha gồm: 137.368ha cây điều, 241.014ha cây cao su, 17.198ha cây hồ tiêu, 15.031ha cây cà phê). Hướng tập trung vào phát triển cây công nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả nông nghiệp và đem lại thành công cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, đời sống người dân ngày càng được cải thiện (năm 2017 thu nhập bình quân đầu người 40,8 triệu đồng/người/năm; năm 2018 là 43,3 triệu đồng/người/năm và đến năm 2019 đạt 44,4 triệu đồng/người/năm).
Công nghiệp của tỉnh cũng đang từng bước phát triển với nhiều dự án lớn; hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đã đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2019 đạt tốc độ tăng trưởng khá cao(19,38%), góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng phát triển chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu toàn ngành. Trong năm 2019, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.080 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 13.189 tỷ đồng; về thu hút FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), toàn tỉnh đã thu hút được 43 dự án với tổng vốn đăng ký là 304,7 triệu USD.
Trải qua hơn 23 năm xây dựng kể từ ngày tái lập tỉnh, từ xuất phát điểm rất thấp về kinh tế, Bình Phước ngày nay đang từng ngày đổi mới; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông thông suốt, kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh chóng, hình thành những khu công nghiệp; văn hóa - giáo dục phát triển vượt bậc, cộng đồng các dân tộc đoàn kết cùng phát triển... tạo nên một diện mạo xã hội mới./.