Ảnh. Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình đối với dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội biểu quyết quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động với số đại biểu tán thành là 454 đại biểu, bằng 91,16%. Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động. Đối với việc biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 đã được đại biểu Quốc hội tán thành 469 đại biểu, bằng 94,18%. Tiếp tục chương trình Quốc hội chuyển sang phần thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua phiên thảo luận cho thấy, các đại biểu Quốc hội tán thành cao với sự cần thiết ban hành luật này và cho rằng sẽ là bước tiến lớn quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và hiện thực hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra và dự án luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến chi tiết, cụ thể vào nhiều điều khoản của dự án luật như: phạm vi điều chỉnh của luật; về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện việc dân chủ ở các loại hình cơ sở gồm xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã, cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập và doanh nghiệp; về thanh tra nhân dân và các nội dung quan trọng khác mà các vị đại biểu quan tâm… Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà phát biểu và trân trọng tiếp thu để nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các nhóm chủ thể tác động để đánh giá bổ sung, hoàn thiện thêm dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách nghiêm túc, đáp ứng được yêu cầu chất lượng tốt hơn.
Ảnh. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các nội dung của dự án luật được đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu là các quy định về hành vi bạo lực gia đình, những hành vi bị nghiêm cấm về tư vấn hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, về báo tin và xử lý tin báo tố giác về bạo lực gia đình, về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, về xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình và quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, đồng thời bổ sung các quy định về biện pháp phòng và hạn chế phát sinh hành vi bạo lực gia đình. Để giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu, cơ quan soạn thảo dự án luật này đã lắng nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu. Đồng thời, theo dõi, ghi chép để tiếp thu, hoàn thiện dự án luật theo mong muốn của đại biểu Quốc hội, đây là luật khó, ngay từ đầu đã thấy việc quản lý nhà nước hiện nay đang còn giao thoa ở nhiều bộ, ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý ở góc độ văn hóa của gia đình. Còn các yếu tố khác không phải giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, khi được giao nhiệm vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cố gắng bám cơ quan thẩm tra, chủ động phối hợp từ sớm, từ xa như chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm việc với các nhóm chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia về giới, tổ chức nhiều hội thảo trên cơ sở kế thừa tổng kết 10 năm và tổng kết 15 năm. Mặc dù đã cố gắng, nhưng soạn thành điều luật không đơn giản. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các đại biểu đóng góp giúp cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự án luật này để hoàn thành trách nhiệm trước Quốc hội.
Ảnh. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận tại phiên thảo luận.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là dự án luật được dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội quan tâm, nên Quốc hội có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc trên tinh thần xây dựng, nhiều ý kiến góp ý cụ thể xác đáng xuất phát từ thực tiễn. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ phận Thư ký đã ghi chép, ghi âm đầy đủ. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan. Cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.