Tại Tổ đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, các đại biểu đã dành thời gian nghiên cứu các báo cáo và có ý kiến đóng góp cho nội dung thảo luận.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu tại buổi thảo luận tổ Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề cập tình trạng thiếu phòng học tại các cấp bậc học, đặc biệt là cấp mầm non tại các khu dân cư, khu công nghiệp; thực trạng vấn đề chăm sóc trẻ mầm non còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu đề ra; vấn đề giáo dục ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu sót; việc dạy học theo hình thức trực tuyến hiện nay chưa đảm bảo chất lượng đề ra. Đối với lĩnh vực thanh niên, trẻ em, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể triển khai thực hiện, như chính sách việc làm, chính sách hỗ trợ thanh niên do ảnh hưởng của dịch bệnh covid - 19, chính sách xử lý đối với thanh niên vi phạm pháp luật, tệ nạn ma túy... Ngoài ra, đại biểu đề xuất chính sách việc làm đối với đối tượng phụ nữ trên 45 tuổi, các đối tượng người dân trở về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh covid - 19. Về chính sách cho người dân di cư từ Campuchia về Việt Nam, đại biểu đề nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định số 1748/QĐ-TTG ngày 29/9/2014 phê duyệt “Đề án tổng thể đối với người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam”, theo hướng nâng mức hỗ trợ các chính sách, giảm bớt khó khăn cho người dân.
Về lĩnh vực y tế, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề cập vai trò của y tế tư nhân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh covid - 19, nhằm mở rộng nguồn lực, nhân lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh covid -19; đại biểu đề nghị cần có chiến lược dự trữ quốc gia đối với vật tư, thiết bị y tế trong y tế dự phòng nhằm đáp ứng kịp thời cho việc phòng, chống dịch bệnh xảy ra; đại biểu cũng đề nghị bộ y tế sớm có kế hoạch tiêm mũi vắc xin thứ 3 tăng cường trong phòng, chống dịch bệnh covid-19 và tính toán vấn đề xã hội hóa mũi tiêm thứ 3. Về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội theo tình trạng bình thường mới, đại biểu đề nghị cần phải thực hiện các biện pháp hữu hiệu để đưa người dân trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn và hiệu quả.
Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể, nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 05 chương, 31 điều cụ thể như sau: Chương I. Quy định chung, gồm: 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động, gồm: 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động, gồm: 06 điều (từ Điều 20 đến Điều 25); Chương IV. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động, gồm: 05 điều (từ Điều 26 đến Điều 30); Chương V. Điều khoản thi hành gồm 01 điều (Điều 31). Nội dung cơ bản của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 04 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Cảnh sát cơ động.
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệsửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 02 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua, gồm: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Đối với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Điểu Huỳnh sang cho rằng một số quy định của dự thảo luật còn mang tính định tính, chưa cụ thể, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định, tránh tình trạng luật khung, luật ống dẫn đến khó áp dụng trên thực tế. Góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo luật, đại biểu Vũ Ngọc Long đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi khái niệm “giải pháp hữu ích” thành “giải pháp công nghệ”; bổ sung cụm từ “đài phát thanh” sau cụm từ “vô tuyến” tại điểm h, khoản 1, điều 4; đại biểu đề nghị làm rõ các khái niệm: “dụng ý xấu” tại điều 96, “chỉ dẫn địa lý đồng âm” tại m, khoản 1, điều 1…
Đại biểu Vũ Ngọc Long - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại buổi thảo luận tổ Đối với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Vũ Ngọc Long đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn các trường hợp lực lượng cảnh sát cơ động được tham gia, vìphương tiện của lực lượng này rất đặc biệt, ranh giới vi phạm quyền con người rất mong manh. Về từ ngữ trong dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “trái pháp luật” sau cụm từ “biểu tình” trong phần giải thích từ ngữ; hợp nhất điều 5 và điều 20….Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề cập đến vấn đề sở hữu trí tuệ trong môi trường công nghệ số, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số.
Ngày 22 tháng 10, Quốc hội dành thời gian thảo luận đối với các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh hóa và Thừa Thiên Huế.