Trước bối cảnh thuận lợi trong nước và quốc tế, tháng 3-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền về tay nhân dân.
Ở Bình Phước, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí: Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban khởi nghĩa; Lê Đức Anh (phụ trách khởi nghĩa ở Lộc Ninh, Đa Kia); Nguyễn Văn Trung (phụ trách khởi nghĩa ở Hớn Quản); Nguyễn Đình Kính (phụ trách công nhân cao su các đồn điền)… chỉ trong 2 ngày đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Lộc Ninh là đơn vị đầu tiên giành được chính quyền trong khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám (ngày 24-8-1945). Ngày 25-8-1945, tại Thủ Dầu Một, trước dinh tỉnh trưởng, một cuộc mít tinh lớn đã diễn ra có đầy đủ các tầng lớp công nhân, nông dân, dân tộc, tôn giáo, trí thức… tham gia. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Văn Công Khai tuyên bố xóa bỏ chính quyền thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. Tai cuộc mít tinh này, hơn 5 vạn đồng bào thay mặt hơn 15 vạn nhân dân trong tỉnh chứng kiến một sự kiện trọng đại chưa từng có trong lịch sử tỉnh nhà, đánh dấu một thời kỳ mới, xóa bỏ chính quyền cũ của quân Nhật, dựng lên chính quyền mới - chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Trong tình hình hiện nay, toàn dân Bình Phước cùng nhân dân cả nước đang căng mình phòng, chống dịch Covid-19. Diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải có sự tỉnh táo, sáng suốt của các cấp lãnh đạo, sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân.
Khi số ca dương tính với Covid-19 tăng cao, một số tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… đã có hàng ngàn ca nhiễm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo các cấp, ngành tìm mọi cách khống chế, dập dịch không để lây lan ra cộng đồng. Hơn lúc nào hết, vai trò của người đứng đầu quyết định tất cả. Mọi quyết sách đưa ra phải hợp tình hợp lý, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại trong cuộc chiến phòng, chống dịch. Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch, Bình Phước đã làm tốt nhiệm vụ của mình.
Ngoài việc chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, cài ứng dụng Bluezone, khai báo y tế, thành lập các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, chốt kiểm soát dịch, sản xuất “3 tại chỗ”, triển khai tiêm vắc xin…, thành công lớn nhất của Bình Phước đó là việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với 18 tỉnh, thành phía Nam, Bình Phước đã kịp thời thực hiện giãn cách xã hội khi số ca dương tính với Covid-19 còn rất ít. Trong gần 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đa số ca mắc mới đều có trong tiên lượng và từ các tỉnh, thành phố về. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng. Giãn cách xã hội gây ra nhiều khó khăn cho đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì sức khỏe và tính mạng con người là trên hết, trước hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch, không chỉ riêng cho bản thân mà còn vì người thân và cộng đồng.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh về công tác phòng, chống dịch ngày 5-8-2021, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận tinh thần, trách nhiệm và những nỗ lực của Bình Phước trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời chỉ đạo, tỉnh phải phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị, tổ covid cộng đồng trong việc kiểm soát người từ vùng dịch về…
Kết thúc chuyến làm việc với Thường trực Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Bình Phước đã làm tốt thì phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới…”. Những ghi nhận và lời động viên của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giúp người đứng đầu tỉnh và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tự tin hơn, quyết đoán hơn khi đưa ra các chỉ đạo kịp thời, sát sao, thống nhất giữa “ý Đảng - lòng dân”. Đó cũng là lý do vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã ký ban hành các công văn hỏa tốc về việc tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng như thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch... Đây cũng chính là vấn đề chớp thời cơ - bài học thành công từ Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Với việc thực hiện nghiêm phòng, chống dịch, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời tạo mọi điều kiện để người dân không rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, đến nay, Bình Phước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Đó là thành công rất đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang Bình Phước gặt hái được trong bối cảnh hiện nay, nhất là việc “chớp thời cơ” trong cuộc chiến với dịch Covid-19 và nhất định chiến thắng.