Tại buổi làm việc, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức thu nhập, giúp người dân thoát nghèo, đặc biệt là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề thời gian vừa qua còn nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể: ngân sách Trung ương phân bổ nguồn kinh phí đào tạo nghề cho địa phương chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra; nguồn lực tài chính của tỉnh còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư cho công tác đào tạo nghề; mô hình dạy nghề cho lao động dân tộc thiểu số ở nông thôn còn ít, chủ yếu là các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp có thời gian đào tạo ngắn, chưa tổ chức đào tạo các nghề mang tính dịch vụ, kỹ thuật chất lượng cao nên chưa đáp ứng lao động có tay nghề phục vụ cho trong các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động; việc duy trì sỹ số các lớp học nghề đối với học viên người đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn; có một số nghề chưa gắn liền với thực tiễn, người học nghề sau khi tốt nghiệp không có việc làm hoặc khó kiếm việc làm; công tác xã hội hóa về đào tạo nghề còn chậm, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho đào tạo nghề; chưa tập trung đầu tư đồng bộ để hình thành các nghề trọng điểm chuyên sâu, để đào tạo lao động có kỹ năng nghề cao.
Đoàn giám sát làm việc tại Ủy ban nhân dân huyện Hớn Quản Qua giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá công tác đào tạo nghề hàng năm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong đào tạo nghề; xem xét, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập tham gia đào tạo, dạy nghề gắn với thu hút lao động nông thôn vào doanh nghiệp.