Tham dự họp Ban có các thành viên Ban kinh tế - ngân sách, đại diện lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Công ty TNHHMTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước, đại diện lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng, Bù Đốp.
Theo báo cáo kết quả giám sát của Ban kinh tế - ngân sách: trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng, quản lý, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các đập, hồ chứa thủy lợi và các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành và các đơn vị thực hiện cơ bản tuân thủ theo các quy định. Việc đầu tư mới, cải tạo nâng cấp các công trình thủy lợi đầu mối, các dự án an toàn hồ đập đã nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng trong cung cấp nước cho các ngành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động của các công trình cấp nước sạch nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 90% năm 2015 lên 98,4% vào cuối năm 2021. Tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay là 73 công trình (trong đó: 62 hồ chứa, 09 đập dâng, 01 trạm bơm và 01 hệ thống kênh thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn); số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh để cấp nước cho người dân là 41 công trình. Việc quản lý và vận hành các công trình do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, thị trấn và một số doanh nghiệp khác thực hiện. Trong giai đoạn 2016 – 2020, đã thực hiện đầu tư xây dựng mới cụm công trình vùng cao biên giới từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và thực hiện đầu tư, nâng cấp, sửa chữa lớn đối với 12 công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước thực hiện duy tu, sửa chữa 09 công trình thủy lợi.
Ông Hoàng Mạnh Thường - PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu trao đổi tại cuộc họp
Qua nội dung giám sát, Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã đưa ra một số tồn tại, hạn chế trong việc đầu tư xây dựng, quản lý, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các đập, hồ chứa thủy lợi và các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, như sau: phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng và đưa vào sử dụng trên 15 năm (30/73 công trình); nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng; một số công trình đã được đầu tư xây dựng hệ thống công trình đầu mối nhưng chưa xây dựng hệ thống kênh tưới phụ phía sau; việc phân cấp quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi; công tác quản lý các công trình thủy lợi có quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh do các huyện thực hiện còn bộc lộ nhiều bất cập; Công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi còn hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên, do đó, nhiều công trình từ hư hỏng nhỏ không được sửa chữa kịp thời, dẫn đến hư hỏng nặng và cần nhiều nguồn kinh phí để sửa chữa; việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi chưa được thực hiện theo quy định, chỉ có 04/55 công trình đã cắm mốc chỉ giới. Hầu hết, các công trình thủy lợi chưa thực hiện việc lập hồ sơ pháp lý, hồ sơ đất. Hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chưa cao, trong số 41 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn hiện có 20 công trình hoạt động kém bền vững, chiếm 51,3% và 08 công trình không hoạt động, chiếm 20,51%. Một số công trình đang hoạt động do UBND các xã quản lý còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững; chất lượng cấp nước của một số công trình cấp nước tập trung chưa đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Hình ảnh lòng hồ Đập dâng K2 xã Tân Tiến, huyện Bù đốp bị bồi lắng
Thực trạng công trình cấp nước Phước Thiện, huyện Bù Đốp
Trên cơ sở phân tích các tồn tại hạn chế và nguyên nhân, Ban kinh tế - ngân sách đã kiến nghị đến UBND tỉnh sớm xây dựng và ban hành quy định về phân cấp quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thủylợi và điều kiện thực tế của địa phương; quan tâm phân bổ kinh phí để đầu tư sửa chữa các công trình đập, hồ chứa thủy lợi đã xuống cấp và hư hỏng nặng trên địa bàn; bổ sung một phần kinh phí để thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi. Kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng và chất lượng hoạt động của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay để xây dựng báo cáo, kịp thời đề xuất phương án nâng cấp, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng nặng; có kế hoạch phân kỳ đầu tư, nâng cấp, duy tu, sửa chữa bảo đảm an toàn công trình, từng bước hiện đại hóa nhằm phát huy hiệu quả công trình thủy lợi; UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quán triệt đến các xã, phường, thị trấn nâng cao trách nhiệm quản lý đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung do địa phương quản lý; cần xây dựng quy chế, cách thức vận hành, quy chế thu, chi đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình,…