Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 được chia thành 2 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng là tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.
Tham dự Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ICC và các điểm cầu kết nối có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố; đại diện một số hiệp hội, Viện nghiên cứu; lãnh đạo các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội; Văn phòng một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Một số nhà khoa học, viện nghiên cứu, giảng viên đại học trong và ngoài nước...Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Hoàng Lâm; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự tại điểm cầu Bình Phước.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chủ trì diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 khẳng định, diễn đàn là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các đối tác của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và cử tri về các giải pháp tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp huy động, sử dụng tối đa nguồn lực, đồng thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể gắn với nguồn lực kèm theo. Các giải pháp này phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, có tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế và gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa, tiền tệ trong diễn đàn lần này cho phép nằm ngoài các chính sách mà Quốc hội đã ban hành, cho phép tìm kiếm những dư địa của nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, đây là diễn đàn mở, đa chiều, tương tác và thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa chính sách và cuộc sống. Qua đó, những ý kiến được ghi nhận tại diễn đàn sẽ là căn cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng các chính sách nhằm phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo Bình Phước tham dự diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Bình Phước
Trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 đối với nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, mục tiêu hướng đến là khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm. Đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tham gia thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu tham dự nhấn mạnh thực trạng và những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời mong muốn thể chế hóa các chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, tiếp tục đẩy mạnh giải pháp phòng, chống dịch và có các chính sách cụ thể về thuế, vốn để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, các chuyên gia và đại biểu cũng đánh giá cao tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng như khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Quốc hội dự kiến đưa vấn đề vào phiên thảo luận tại kỳ họp chuyên đề của Quốc hội trong thời gian tới./.