Dự thảo luật được xây dựng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng chống, dịch bệnh covid-19; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.Bên cạnh sửa đổi, bổ sung 08 luật để cụ thể hóa 08 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 03 nội dung Luật Đầu tư và 01 nội dung của Luật Doanh nghiệp. Bố cụcgồm 10 điều: 08 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 08 luật hiện hành, 01 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 01 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH phụ trách Đoàn phát biểu tại buổi thảo luận
Tại Tổ thảo luận số 9, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nghiên cứu tài liệu và có nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, chất lượng. Đối với việc sửa đổi các nội dung của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung đề nghị bổ sung một số ngành nghề cần đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và các ngành nghề, công trình cần thiết khác nhằm tạo cơ chế đầu tư thuận lợi, phát triển toàn diện các lĩnh vực. Về các nội dung sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung đề nghị Chính phủ cân nhắc quy định tăng mức thuế suất đối với ngành sản xuất và nhập khẩu ô tô. Hiện nay, Việt Nam đang có sự lệ thuộc về công nghệ cơ khí của nước ngoài, khuyến khích nhập khẩu và sản xuất ô tô trong nước, người dân sử dụng ô tô nhằm đẩy mạnh ngành công ngiệp sản xuất ô tô trong nước. Do đó, việc tăng thuế suất đối với ngành sản xuất và nhập khẩu ô tô sẽ kìm hãm mục tiêu này. Về các nội dung sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đồng ý việc sửa đổi của dự thảo luật, bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định của dự thảo luật cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Ban Chấp hành trung ương nhằm đảm bảo tính độc lập trong truyền tải điện của nhà nước, bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tài điện tư nhân, đồng thờiđánh giá tác động và các sự cố có thể xảy ra trong việc kiểm soát truyền tải điện quốc gia, đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc truyền tải điện hiện nay. Về các nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các văn bản dưới luật, đảm bảo tính nguyên tắc của Luật, đồng thời bổ sung quy định trình duyệt hồ sơ mời thầu và một số quy định có liên quan nhằm đáp ứng tính cấp thiết và cấp bách của các quy định về đấu thầu trong điều kiện hiện nay.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung phát biểu tại buổi thảo luận
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ vềChủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu xây dựng thành phố Cần Thơ đến năm 2030 là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước Vùng đồng bằng sông Cửu Long; là đô thị hạt nhân Vùng Đồng bằng sông Cửu Longtheo mục tiêucủa Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020.Dự thảo Nghị quyết bao gồm 10 điều, quy định thí điểm 08 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực: (1) Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; (2) Quản lý đất đai; (3) Quản lý quy hoạch; (4) Thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; (5) ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An -Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ.
Tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung bày tỏ sự thống nhất cao đối với việc ban hành 02 văn bản. Đối với Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đề nghị Ban soạn thảo căn cứ thực trạng hiện nay, xem xét các chính sách không phù hợp và các chính sách chưa thu hút đầu tư để rút kinh nghiệm và ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn; cần đề cao vấn đề chất lượng các công trình đầu tưnhằm đảm bảo chất lượng thi công công trình dự án và mô hình thu phí hiệu quả. Về các nội dung dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Chung đề nghị Chính phủ quan tâm chính sách đối vớithành phố Cần thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, mực nước dâng cao nhằm tạo điều kiện phát triển thành phố Cần Thơ, vùng lõi trung tâm của vùng Tây Nam bộ.
Dự kiến sáng ngày 07 tháng 01 năm 2022, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.