Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại phiên họp tổ.
Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước - Điểu Huỳnh Sang cho rằng, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội lần này gồm có 3 chương, 57 điều, tăng một điều so với dự thảo nghị quyết trước đó, trong đó bổ sung 9 điều, sửa đổi 43 điều, kế thừa nguyên văn Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015. Tuy nhiên, về các quy trình, thủ tục tại kỳ họp chưa được quy định tại pháp luật chuyên ngành để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả của kỳ họp và đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, nhất là trong điều kiện chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan. Tại điểm 6, Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định việc xây dựng chương trình kỳ họp Quốc hội thời gian qua đã đi vào nền nếp, có tính chuyên nghiệp dựa trên những nguyên tắc nhất định, như việc bố trí thời gian thảo luận các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết được thông qua tốt hơn các kỳ họp trước. Đề nghị tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 73 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đồng thời đề nghị sửa đổi một số nội dung quy định về nội quy, quy chế kỳ họp được quy định trong các luật trước khi sửa đổi Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội cho đồng bộ và thống nhất. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực và điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng như tiếp tục kiện toàn bộ máy giúp việc của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng tinh gọn, nâng cao năng lực, hiệu quả; đề nghị Văn phòng Quốc hội xây dựng kế hoạch khảo sát, phối hợp với địa phương để có thêm cơ sở đánh giá về chất lượng, hiệu quả cũng như là hạn chế, bất cập đối với bộ máy giúp việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh khi sáp nhập về địa phương.
Đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm đảm bảo các yêu cầu trong tình hình mới. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, dự thảo luật sửa đổi lần này đã đáp ứng được sáu yêu cầu, trong đó có yêu cầu khắc phục những thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế. Hiện tại, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như là trên thế giới; Tại điểm n khoảng 1 điều 4 quy định đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động, trong đó có quy định đối tượng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đại biểu cho rằng nếu quy định như trong dự thảo luật thì chưa đầy đủ, vì hiện nay các hình thức kinh doanh bảo hiểm rất đa dạng, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát không bỏ sót các đối tượng tham gia rửa tiền; tại khoản 1 điều 17 quy định “cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế là đối tượng báo cáo”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về nguồn dữ liệu cũng như cách thức để các đối tượng báo cáo có thể nhận biết được các nguồn tài sản, nguồn tiền của khách hàng, vì đối tượng khách hàng này khó xác định và khó tiếp cận để thu thập thông tin; tại điều 28 dự thảo luật, các quy định còn mang tính định tính nên việc các đối tượng báo cáo là khác nhau, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định cụ thể hơn về các yếu tố định lượng để các đối tượng báo cáo thống nhất trong cách nhận biết và cũng thuận tiện hơn trong các quá trình thực hiện; về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét bổ sung các nội dung quy định về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong công tác tham mưu Chính phủ về các biện pháp, chế tài xử lý trong trường hợp các tổ chức và cá nhân không tuân thủ quy định của luật.
Đại biểu Vũ Ngọc Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Vũ Ngọc Long cho rằng, tại phiên trực tiếp với quốc dân, đồng bào, việc lựa chọn vấn đề và trình bày trong một phút là rất khó và tính chất Quốc hội không chỉ bàn luận đúng hay sai mà còn để làm rõ vấn đề, giúp các đại biểu trong việc quyết định biểu quyết khoa học và sát với thực tế. Bởi vì rất nhiều nội dung được bàn kỹ sẽ quyết định vấn đề chính xác và có lợi cho sự phát triển, theo đại biểu vấn đề thời gian không quan trọng bằng vấn đề chất lượng. Do đó, đại biểu đề nghị không nên rút ngắn thời gian phát biểu và cân nhắc tăng thêm thời gian 1/2 hoặc 1 ngày cho phiên chất vấn nhằm đảm bảo kỳ vọng của cử tri; về bổ sung hình thức họp trực tuyến trong Nội quy kỳ họp, đại biểu nêu cần luật hóa hình thức họp trực tuyến bằng Luật Tổ chức Quốc hội. Vì họp trực tuyến theo quy định hiện hành không phải là hình thức hoạt động của Quốc hội; về việc lấy phiếu tín nhiệm, quy định 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp theo đại biểu chưa hợp lý, cần nghiên cứu theo hướng chỉ 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Phan Viết Lượng phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, nếu chỉ dành một phút cho đại biểu chất vấn thì rất khó, không chỉ khó đối với người hỏi mà còn khó đối với các bộ trưởng, trưởng ngành. Không đủ thông tin để nắm rõ vấn đề đó đang tồn tại, xảy ra ở đâu, nội dung trọng tâm nào cần làm rõ, trả lời. Trước đây, không quy định một phút thì người chất vấn nêu rõ được địa chỉ, vấn đề, thậm chí là những bằng chứng rất thuyết phục về vấn đề mà đại biểu nêu ra, giúp người trả lời chất vấn hiểu được đại biểu đang nói vấn đề gì và thực tế thực hiện đang đặt ra vấn đề gì mà bộ trưởng, trưởng ngành cần phải làm rõ, cần phải quan tâm. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc đề xuất rút ngắn thời gian dành cho mỗi đại biểu phát biểu nhằm đảm bảo tính hiệu quả của công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp./.