Qua đợt giám sát, Ban dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn 2018 - 2020 luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, sự phối hợp tuyên truyền của mặt trận, các đoàn thể, sự đồng thuận tham gia đóng góp và thực hiện của nhân dân trên địa bàn tỉnh đã giúp đồng bào DTTS có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, có nơi ở ổn định cuộc sống, đời sống từng bước được cải thiện. Các chính sách giảm nghèo được hỗ trợ trực tiếp đến hộ nghèo đồng bào DTTS thụ hưởng như: hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, điện, nước sinh hoạt, tạo việc làm, vay vốn để phát triển sản xuất…, việc hỗ trợ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hộ nghèo nên từng bước giúp hộ nghèo DTTS nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững.
Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh Điểu Điều phát biểu kết luận
Từ năm 2018 đến năm 2020, tổng nguồn vốn được nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào DTTS thoát nghèo trên địa bàn tỉnh là: 346.191,7 triệu đồng (Trong đó, ngân sách Trung ương là 143.888 triệu đồng, ngân sách địa phương là 202.303,7 triệu đồng). Sau 3 năm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, toàn tỉnh đã giảm được 3.480 hộ nghèo đồng bào DTTS, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh chỉ còn 1.869 hộ nghèo đồng bào DTTS. Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Phước cũng đã chủ động triển khai các chính sách đặc thù thông qua Chương trình giảm 1000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện là 184.932 triệu đồng (năm 2019 là 67.603 triệu đồng, năm 2020 là 117.329 triệu đồng).
Tuy nhiên, hầu hết các chính sách giảm nghèo cho đồng bào DTTS được thực hiện hỗ trợ một chiều, do đó đã tạo cho đối tượng được thụ hưởng chính sách có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, một số nơi người dân chưa muốn thoát hộ nghèo, một số cán bộ xã chưa muốn xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn.
Dự thảo báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ, phân tích những hạn chế và đưa ra các kiến nghị sau đợt giám sát. Tại buổi họp, các đại biểu tham dự thống nhất cao với nội dung dự thảo báo cáo, đồng thời các đại biểu cũng phân tích, bổ sung một số nội dung đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo.
Qua quá trình giám sát, Ban dân tộc HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo Ban dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức cho phù hợp với tình hình thực tế, luôn hướng về cơ sở để nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS. Thực hiện công tác tuyên truyền, dân vận đến từng thôn, ấp để đồng bào DTTS biết tự lực vươn lên thoát nghèo, lao động, sản xuất, chủ động tích lũy đầu tư, tiếp cận các thông tin hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ qua các chính sách và nguồn vốn vay từ Nhà nước hỗ trợ, từ đó vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đối với các sở, ngành liên quan, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả từng chính sách để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, sơ kết, tổng kết, đánh giá. Đối với UBND huyện Bù Gia Mập và UBND huyện Phú Riềng, tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách dân tộc thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; thường xuyên kiểm tra công tác điều tra, rà soát hộ nghèo đồng bào DTTS của các xã trong việc thực hiện chính sách, dự án về giảm nghèo.