Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 30-10-2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước dự thính phiên thảo luận
Trong buổi làm việc sáng nay, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo và xem videoclip của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội tiến hành thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Phát biểu kết luận phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết đã có 18 ý kiến đại biểu phát biểu, có 3 ý kiến tranh luận. 14h00 chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại Hội trường
Phát biểu góp ý về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia tại phiên họp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cố gắng trong hoạt động giám sát và xây dựng báo cáo kết quả chất lượng. Mặc dù số lượng văn bản quản lý đến nay cơ bản hoàn thành tuy nhiên qua thực tiễn các địa phương phản ánh, số lượng văn bản quá nhiều, một số văn bản của trung ương và địa phương ban hành còn chậm, nhiều hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc, khó thực hiện. Bên cạnh đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Và thực tiễn việc ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24-6-2023 của Chính phủ dù đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc từ cơ sở nhưng vẫn còn một số nội dung chưa được tháo gỡ, có quy định rất khó thực hiện, nhất là các nội dung về hỗ trợ sản xuất. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời và hiệu quả hơn.
Về việc phân bổ nguồn vốn bố trí chưa tương xứng với mục tiêu, yêu cầu đặt ra, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, việc lập kế hoạch vốn, phân bổ vốn do vốn ngân sách trung ương chậm, phân bổ chưa sát với tình hình, nhu cầu thực tế của một số địa phương. Việc giao vốn sự nghiệp còn nhiều bất cập và chưa có sự thống nhất giữa 3 Chương trình và việc giao chi tiết đến từng dự án, tiểu dự án về nội dung, thành phần tùy theo quy định nhưng khó triển khai cơ chế chuyển nguồn. Tiến độ giải ngân ngân sách trung ương còn thấp và khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương của các Chương trình mục tiêu quốc gia mục tiêu đến năm 2025 rất khó khăn. Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành được phân công làm chủ Chương trình sớm có giải pháp ban hành kế hoạch vốn để phân bổ vốn, giao vốn ngân sách trung ương cho các địa phương để triển khai thực hiện kịp thời. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn xác định danh sách các thôn có hộ dân khó khăn, hộ dân thuộc đặc thù thuộc các dự án chính của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để địa phương triển khai thuận lợi hơn...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu