Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 23-11-2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp
Điều hành nội dung thảo luận về dự án luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan, nghiêm túc nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiến hành thêm rất nhiều hoạt động nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Dự thảo luật sau đó đã được trình tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách để tiếp tục thảo luận cho ý kiến, hoàn chỉnh gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức nhiều phiên họp cho ý kiến về dự thảo luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật trình Quốc hội lần này gồm 15 Chương, 203 Điều, tăng 2 Chương, 8 Điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, đồng thời đã chỉnh lý về nội dung và kỹ thuật tại 158 Điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo đầy đủ về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật kèm theo dự thảo luật đã được chỉnh lý gửi đến các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: các quy định liên quan đến vay, cho vay đặc biệt; ý kiến về vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng; các nội dung khác mà các đại biểu quan tâm...

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự phiên họp
Phát biểu góp ý về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đồng tình với các quy định trong dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu đề nghị cần phải rà soát, quy định đầy đủ về thanh tra, giám sát, quy định về quản lý rủi ro liên quan đến các ngân hàng chính sách có các hoạt động ngân hàng nhằm hạn chế tình trạng tích tụ và khó xử lý rủi ro. Bởi dự thảo Luật hiện tại chỉ quy định chung và mang tính nguyên tắc. Đồng thời, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể nhằm xác định địa vị pháp lý của ngân hàng chính sách, tạo khung pháp lý cho hoạt động của loại hình ngân hàng này theo đúng chủ trương của Đảng và phù hợp với thực tiễn hoạt động. Việc sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, mở rộng phạm vi khái niệm người có liên quan theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang đây là một trong những biện pháp hạn chế tình trạng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để cho vay các doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái. Trên thực tế quy định đã được đưa ra để giải quyết vấn đề sở hữu chéo, cổ đông thao túng nhưng đã phát sinh nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân cố tình nhờ đứng tên sở hữu cổ phần cùng làm cho việc xử lý vấn đề sở hữu chéo, tháo túng trong hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn về người có liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng phải đạt được mục tiêu xử lý được vấn đề sở hữu chéo, thao túng chi phối các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng, có điều khoản chuyển tiếp phù hợp, hạn chế hiệu ứng tiêu cực đối với thị trường tiền tệ, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và thu hút đầu tư nước ngoài.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại Hội trường
Bên cạnh đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo để đảm bảo minh bạch, hiệu quả và quản lý, giám sát được hoạt động của tổ chức tín dụng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng để quy định khả thi, kiểm soát rủi ro nhưng bảo đảm ra quyết định nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tốc độ thông tin trong thời đại kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh mẽ, khắc phục bất cập trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém thời gian qua. Đồng thời đánh giá kỹ tác động của 2 phương án quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, bảo đảm hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại. Để hoàn thiện các quy định về nợ xấu và xử lý nợ xấu; các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý nợ xấu bảo đảm, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định tại các Luật có liên quan như Bộ Luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế…