Trước đó, tại phiên làm việc toàn thể hội trường, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có một số nội dung lớn đáng chú ý như: Bổ sung trợ cấp hưu trí để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; Sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Dự án cũng bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; Sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; Vấn đề về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại phiên họp tổ
Phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng, nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội chủ yếu là từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động nhưng những đối tượng này rất khó tiếp cận thông tin về tình hình cũng như hoạt động của quỹ. Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, quy định cụ thể hơn về công khai, minh bạch quỹ bảo hiểm xã hội. Đồng thời, bổ sung quy định về thời gian tối thiểu Chính phủ tiến hành xem xét, đánh giá về điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước để làm cơ sở cho việc đề xuất cũng như điều chỉnh độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội được quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 21 của dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với các luật khác, vì theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội có 4 luật. Tuy nhiên, qua rà soát cơ bản bước đầu có 11 luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các luật có liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội như: Luật Cơ yếu; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Công đoàn; Luật Người cao tuổi…. Vì đây là những luật có liên quan mật thiết đối với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Ban soạn thảo phải rà soát lại dự thảo luật với các hiệp định về bảo hiểm xã hội, để đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Bảo hiểm xã hội với các bộ luật, các luật và các điều ước quốc tế mà chúng ta là thành viên. Về xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bên cạnh các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội như trong dự thảo luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội…
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh - Huỳnh Thành Chung phát biểu tại phiên họp tổ
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh - ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, đối với quy định: cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng… theo đại biểu Huỳnh Thành Chung sẽ có mâu thuẫn khi đưa vào thực hiện, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội nhưng nếu trường hợp nợ do có điều kiện nhưng không đóng, có đủ điều kiện đóng mà chây ì hoặc trốn đóng thì chế tài như vậy là hợp lý, chấp nhận được. Nhưng trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng hóa, sản phẩm không tiêu thụ được, lượng hàng tồn kho nhiều, không có dòng tiền thu vào khi thị trường đóng băng mà áp dụng biện pháp ngừng xuất hóa đơn thì doanh nghiệp không thể có thanh khoản để có tiền đóng số tiền nợ bảo hiểm xã hội. Do vậy, ở trường hợp này, nếu chế tài bằng hình thức ngừng cung cấp hóa đơn thì không phù hợp và không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn mà người lao động cũng ảnh hưởng trực tiếp. Trong vấn đề xử phạt, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị phải quy trách nhiệm của người điều hành doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thành Chung cho rằng có thể đưa ra các biện pháp chế tài khắt khe và nghiêm khắc nhưng phải hướng đến việc không đẩy khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời phải tạo áp lực trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp hoặc là chủ doanh nghiệp, người vận hành doanh nghiệp. Bởi vì, có trường hợp là chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc đại diện cổ đông lớn, người có quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp đứng ra điều hành doanh nghiệp, nhưng cũng có thể họ thuê người điều hành doanh nghiệp và trong trường hợp nào thì người chịu trách nhiệm pháp luật, người điều hành doanh nghiệp là phải chịu trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm cá nhân trong việc thực thi các quy định của pháp luật về vấn đề bảo hiểm…