Quốc hội thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Minh Huy.
2023-11-01T03:44:20-04:00
2023-11-01T03:44:20-04:00
https://dbnd.binhphuoc.gov.vn/dbqh/quoc-hoi-thao-luan-ve-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-1532.html
https://dbnd.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2023_11/dieu-huynh-sang.jpg
ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN BÌNH PHƯỚC
https://dbnd.binhphuoc.gov.vn/uploads/1180-dbnd-logo.png
Thứ ba - 31/10/2023 23:44
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 01-11-2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phó Chủ Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Theo đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về: (1) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; (2) Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 -2 025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; (3) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (4) Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; (5) Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội trường
Phát biểu góp ý về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, báo cáo của Chính phủ có nêu nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Báo cáo của Chính phủ đánh giá năm 2023, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phản ánh, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan tập trung phân tích, đánh giá thực chất và kỹ nguyên nhân của tình trạng này, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chấm dứt điệp khúc “được mùa – mất giá” và nhiều đợt “giải cứu nông sản” như thời gian qua và nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân. Các bộ, ngành cần đồng hành tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công trình phục vụ phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, tính ổn định quy hoạch chính sách trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, việc quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài hiệu quả. Hạn chế này cần được giải quyết để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, để hóa giải những thách thức gặp phải, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại Hội trường
Phát biểu góp ý về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-01-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nghị quyết được ban hành tại kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã giúp cho việc phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đưa nước ta ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cũng đã nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm để triển khai thực hiện Nghị quyết về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết dự kiến đến hết thời gian thực hiện không đạt hoặc đạt, hiệu quả chưa cao. Do đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết.
Bên cạnh đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ cần đánh giá toàn diện hơn việc thực hiện các chính sách tiền tệ về kết quả huy động các nguồn lực và kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách đặc thù cũng như số vốn đã giải ngân trong lĩnh vực y tế. Về hiệu quả và tình hình giải ngân cho đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ cấp xã hội, đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm; tình hình và kết quả triển khai cấp vốn đều lại cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; hiệu quả và tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua Ngân hàng chính sách xã hội và đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về kết quả và tác động của các cơ chế, chính sách đã thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, nhiều cơ chế chính sách trong nghị quyết chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp...
Tác giả bài viết: Minh Huy.