Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Minh Huy
2023-01-08T22:00:41-05:00
2023-01-08T22:00:41-05:00
https://dbnd.binhphuoc.gov.vn/dbqh/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-thao-luan-tai-to-ve-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-va-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-mot-so-noi-dung-con-y-kien-khac-nhau-cua-du-an-luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-1371.html
https://dbnd.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2023_01/db-sang.jpg
ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN BÌNH PHƯỚC
https://dbnd.binhphuoc.gov.vn/uploads/1180-dbnd-logo.png
Chủ nhật - 08/01/2023 21:48
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 06-01-2023, Quốc hội thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Phan Viết Lượng phát biểu tại phiên họp tổ
Phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng: để có không gian phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của đất nước thì cần phải đánh giá, rà soát kỹ về điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển, đặc biệt là thực trạng phát triển các vùng, các tỉnh và địa phương trong cả nước. Nhiều chỉ số về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng chưa được đánh giá kỹ, đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá bổ sung nhưng hiện trạng về sử dụng đất, đặc biệt là sử dụng đất cho các mục tiêu về xã hội, hạ tầng văn hóa xã hội. Về định hướng sử dụng đất quốc gia, đại biểu đề nghị rà soát và nghiên cứu rõ hơn việc ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng, thiết kế không gian văn hóa, du lịch tôn giáo để nhằm đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa không bị mai một…
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh – Huỳnh Thành Chung phát biểu tại phiên họp tổ
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh - ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng cần có phương pháp đặc biệt để lập quy hoạch phù hợp trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia. Bên cạnh đó, phải đảm bảo quy hoạch là công cụ và định hướng để phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2030 và cần tạo ra không gian dự phòng cho việc phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2050…
Buổi chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại hội trường
Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng: dự án Luật cần đảm bảo thích nghi, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần có sự thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Đấu thầu, Luật giá… Về phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cũng đã cơ bản có sự tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, đây là vấn đề làm thay đổi toàn bộ hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến cơ chế thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chuyển tuyến đối với ngành Y tế trong khi quy định chưa rõ về vai trò, chức năng của từng cấp, chưa rõ về cách phân định trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể nhằm xác định các chuyên môn kỹ thuật tương ứng cũng như là phương thức, cách thức kết nối của các cấp trong chuỗi cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tránh việc về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp trên cũng làm việc khám bệnh, chữa bệnh của cấp dưới. Lộ trình thay đổi về cách thức phân cấp, phân tuyến khám bệnh, chữa bệnh cũng cần phải rà soát về chức năng, nhiệm vụ để đưa ra khung năng lực của từng cấp nhằm xếp vị trí của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trong ba cấp khám bệnh, chữa bệnh. Việc phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng cần đặt trong quy hoạch tổng thể của ngành Y tế nhằm tránh tình trạng căn cứ theo năng lực cung cấp mà quá nhiều cơ sở y tế được xếp vào một cấp và việc phân cấp theo 3 cấp thì việc thực hiện nhiệm vụ từ khám bệnh, chữa bệnh tổng quát cũng như khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu vẫn chưa thể tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện hành.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội – Trần Thanh Mẫn kết luận phiên thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 22 đại biểu đăng ký phát biểu, các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần xây dựng. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình, cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý. Tuy nhiên, đây là dự án luật có tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và tính chuyên môn cụ thể. Vì vậy, phiên thảo luận tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội góp ý về những vấn đề chung, cũng như những vấn đề cụ thể xuất phát từ thực tiễn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và gửi đến đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.
Tác giả bài viết: Minh Huy