Bù Gia Mập là huyện miền núi, biên giới với diện tích tự nhiên là 106.428 ha; dân số 20.482 hộ, với 80.357 nhân khẩu, (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 6.460 hộ, với 29.247 khẩu, chiếm khoảng 36,4% dân số của huyện); với 22 thành phần dân tộc phân bố đều khắp ở các xã, có 02 xã biên giới là Đắk Ơ và Bù Gia Mập với đường biên giới dài hơn 64 km, có 03 xã và 04 thôn đặc biệt khó khăn; hộ nghèo 1.161 hộ, với 4.385 khẩu chiếm tỷ lệ 5,75%; hộ cận nghèo 1.226 hộ, với 5.181 khẩu chiếm 6,08 %, trong đó hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 744 hộ, với 3.277 khẩu chiếm 60,7%.
Ông Điểu Điều - Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND huyện Bù Gia Mập, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện Bù Gia Mập có 1.721 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất với diện tích khoảng 1.772,486 ha. Trong đó, có 496 hộ bán điều non, với diện tích 415,46 ha, tổng số tiền 30.006.800.000 đồng; số hộ cầm cố, thế chấp đất sản xuất 660 hộ, với diện tích khoảng 1.032,4 ha, số tiền trên 86.097.162.500 đồng; số hộ sang nhượng đất sản xuất 282 hộ, với diện tích 323,96 ha, số tiền 57.493.801.000 đồng; số hộ vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là 230 hộ, với số tiền trên 24.580.260.000 đồng. Nhìn chung, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất trên địa bàn huyện giảm theo từng năm. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù huyện đã xử lý 10 vụ, việc liên quan đến cầm cố đất, bán điều non và vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bán điều non, vay tiền lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất là do nhận thức của đồng bào chưa cao nên việc bán điều non, vay tiền lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất trong đồng bào dân tộc chủ yếu là thỏa thuận miệng hoặc bằng giấy viết tay mà không được công chứng, chứng thực và một số phong tục, tập quán lạc hậu lâu đời của đồng bào liên quan đến ma chay, cưới hỏi gây tốn kém dẫn đến tình trạng tranh chấp gây mất trật tự ở địa phương. Bên cạnh đó, các đối tượng môi giới lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để cho vay với lãi suất cao sau đó cố tình ép người dân sang nhượng, bán đất trong thời gian đồng bào không đủ tiền trả nợ vay.
Kết luận tại buổi giám sát, Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh Điểu Điều ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo xã, huyện trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Bù Gia Mập cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để đồng bào dân tộc thiểu số thấy được tác hại của việc bán điều non, vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất từ đó các hộ đồng bào có cách chi tiêu khoa học, hợp lý, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, có ý thức vươn lên ổn định cuộc sống.