Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Ban dân tộc HĐND tỉnh vàđại diện các đơn vị: Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân tộc tỉnh, Ngân hàng nhà nước tỉnh, UBND huyện Bù Gia Mập.
Tình hình bán điều non, vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS vẫn diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số hộ, diện tích và số tiền. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3.944 hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất với diện tích khoảng 5.790,668 ha. Trong đó, có 2.138 hộ bán điều non, với diện tích 4.275,76 ha; số hộ cầm cố, thế chấp, sang nhượng đất ở, đất sản xuất 1.403 hộ, với diện tích 1.514,908 ha; vay lãi nặng là 403 hộ, với số tiền trên 93.387 triệu đồng.Số hộ bán điều non tập trung chủ yếu ở địa bàn 02 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập với hơn 94% tổng số hộ bán điều non trên địa bàn tỉnh, thời gian bán điều non bình quân từ 3 đến 8 năm (ngắn nhất là 01 năm và dài nhất là 28 năm); tình trạng vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Bù Gia Mập.
Ông Điểu Điều - Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bán điều non, vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất do đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động trong việc đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình; việc tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, đất cấp cho các hộ đồng bào được bố trí cách xa nơi sinh sống, các hộ đồng bào gặp nhiều khó khăn trong đi lại, sản xuất; chi phí sinh hoạt hàng ngày của các hộ đồng bào lớn (còn nặng trong phong tục về ma chay, cưới hỏi, …), do đódẫn đến việc bán điều non, vay lãi nặng, cầm cố đất ở, đất sản xuất và buộc phải sang nhượng đất do không có tiền trả nợ…
Tại buổi làm việc, Ban dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 03/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ 10 nhóm dự án cụ thể được phê duyệt trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị Ban Dân tộc tỉnh, tiếp tục phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và địa phương trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 03/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh và Công văn số 2001/UBND-KGVX ngày 18/6/2021 của UBND tỉnh. Kịp thời báo cáo tình hình và đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh những nội dung có liên quan; đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 03/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh và Công văn số 2001/UBND-KGVX ngày 18/6/2021 của UBND tỉnh. Giao trách nhiệm cụ thể đối với UBND các xã, phường, thị trấn trong việc nắm tình hình đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non, cầm cố đất, bán đất, vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đồng thời yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã, thành phố khi xảy ra nhiều trường hợp bán điều non, vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cầm cố đất, bán đất ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở vùng dân tộc thiểu số; phát sinh thêm hộ nghèo, hộ khó khăn. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia hoạt động cho vay lãi nặng đối với đồng bào dân tộc thiểu số.