Theo báo cáo của Ngân hành chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bình Phước và Ban Dân tộc tỉnh, trong 03 năm, doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.166.834 triệu đồng, với 87.516 lượt khách hàng được vay vốn, trong đó doanh số cho vay đối với hộ đồng bào DTTS đạt 452.982 triệu đồng (chiếm 20,9%/tổng doanh số cho vay), với 17.900 lượt khách hàng được vay vốn (chiếm 20,5%/tổng số hộ được vay vốn). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại NHCSXH với hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng đến 31/5/2020 là 20.407 khách hàng (chiếm 19,85%/tổng khách hàng còn dư nợ tại NHCSXH), với dư nợ là 479.848 triệu đồng (chiếm 20% tổng dư nợ), dư nợ bình quân hộ DTTS đạt 23,5 triệu đồng/khách hàng, nợ quá hạn là 428 triệu đồng (chiếm 0,09% tổng dư nợ cho vay đối với hộ đồng bào DTTS). Đa số hộ DTTS sống tại vùng DTTS đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi. Nhờ có các chính sách tín dụng đã có hơn 2.000 hộ DTTS thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm hơn 500 lao động; giúp cho hơn 420 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng gần 13.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 137 căn nhà để ở; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội trong đồng bào các DTTS, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Trương Thanh Dũng - GĐ NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Phước cho biết trong thời gian tới Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng từ 8% đến 10%.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Điểu Điều - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá cáo kết quả đạt được trong triển khai, tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới đề nghị các đơn vị tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách tín dụng, chú trọng công tác phối hợp với các cấp ngành trong việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra giám sát thực hiện chính sách theo đúng quy định; Đoàn giám sát cũng ghi nhận các kiến nghị, sẽ tổng hợp và chuyển đến các cấp, ngành xem xét giải quyết theo thẩm quyền.