Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Điểu Điều phát biểu tại giám sát.
Trên địa bàn tỉnh có 40 thành phần DTTS với 19,67% so với dân số toàn tỉnh. Hầu hết các thôn ấp, đều có câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian duy trì thường xuyên, có chất lượng, ước đạt trên 90%.
Theo báo cáo, giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh rà soát lập hồ sơ đối với 119 lễ hội truyền thống và 25 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào S’Tiêng, M’nông, Khmer để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Trong đó, 5/7 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, có 85 hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng để khai thác, phát huy giá trị di sản. Đồng bào DTTS ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, trước xu thế thời đại làm cho một số văn hóa truyền thống của đồng bào S’Tiêng, M’nông và Khmer bị suy giảm, một số hoạt động văn hóa trong cộng đồng dần bị mai một.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Tạ Hồng Quảng phát biểu tại buổi giám sát
Qua các buổi làm việc tại địa phương, đoàn đã ghi nhận một số ý kiến đóng góp liên quan đến chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng sâu, vùng xa để nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Cần quan tâm chế độ, chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng các nghệ nhân có đóng góp tích cực trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc, tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở.
Các thành viên đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi giám sát
Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng quan tâm đến một số vấn đề như: Việc bảo tồn phát huy nét đẹp văn hóa ẩm thực; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền viên văn hóa; kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể, đánh giá vai trò của nghệ nhân, thế hệ trẻ trong bảo tồn phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các DTTS. Ngoài ra, việc đưa những giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn vào chương trình giáo dục địa phương và áp dụng số hóa trong công tác bảo tồn, lưu trữ các giá trị văn hóa; thương mại hoá sản phẩm văn hóa cũng được đoàn giám sát quan tâm.
Đại diện UBND xã Lộc Khánh, UBND huyện Lộc Ninh báo cáo công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn huyện
Những ý kiến góp ý của đoàn giám sát được lãnh đạo địa phương và đại diện sở ngành, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Dân tộc tỉnh tiếp thu và bổ sung vào báo cáo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Thị Ánh Tuyết phát biểu tại buổi giám sát
Thông qua đợt giám sát, trên tinh thần làm việc nghiêm túc, hiệu quả, ông Điểu Điều - Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ở địa phương, đồng thời đề nghị: Cần tham mưu phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tạo thành sự đồng bộ trong hệ thống chính trị. Cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc vận dụng chính sách để phát triển và bảo tồn văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đưa khoa học, công nghệ vào thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; đồng thời phát hiện những giá trị văn hóa mới. Phát huy sức mạnh của cộng đồng đồng bào DTTS trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch; Cần chú trọng đến vấn đề xây dựng thiết chế văn hóa, bảo vệ không gian văn hóa; bảo tồn nguyên liệu văn hóa./.