Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh tham gia Hội nghị theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Bình Phước và đã có nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp đối với nội dung các dự án luật. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thông tin đến bạn đọc nội dung ý kiến đóng góp của đại biểu Điểu Huỳnh Sang như sau:
1. Đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
- Điều 18, 19, 20 dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Đối với tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, về: “hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng” của sáng kiến, đề tài khoa học…Qua thực tiễn, việc triển khai thực hiện các quy định này, việc đánh giá hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng khó thực hiện và khi Hội đồng sáng kiến, Hội đồng khoa học xét công nhận sáng kiến, đề tài khoa học đã đánh giá đến khả năng áp dụng vào thực tiễn của các sáng kiến, đề tài khoa học trước khi quyết định công nhận. Như vậy, các sáng kiến, đề tài khi được công nhận cũng đã đánh giá đến hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng. Đề nghị Ban soạn thảo đối với tiêu chuẩn danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, chỉ nên quy định có quyết định công nhận sáng kiến, đề tài khoa học; việc quy định thẩm quyền cấp tỉnh công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng toàn quốc của sáng kiến, đề tài khoa học,.. là khó thực hiện và không thực tế.
- Về quy định hình thức tặng thưởng huy chương thanh niên xung phong: Lực lượng thanh niên xung phong đã có nhiều đóng góp trong kháng chiến, giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận công lao to lớn, sự đóng góp, hy sinh của Nhân dân và các lực lượng trong kháng chiến. Hiện nay, công tác khen thưởng kháng chiến cơ bản hoàn thành và từ trước đến nay việc khen thưởng kháng chiến được quy định theo văn bản riêng (tuy trong thực tế với nhiều lý do khách quan, lịch sử,… còn một số hồ sơ tồn đọng và cần phải nghiên cứu xem xét và tiếp tục giải quyết). Do đó, thống nhất quy định về xét tặng thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang trong dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).
- Về quy định Huân chương Đại đoàn kết dân tộc tại điều 48 dự thảo luật: Nội dung Điều 48 dự thảo Luật quy định còn chung chung, chưa quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn để áp dụng trên thực tế. Đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn trong dự thảo luật nội hàm cụm từ “có công lao to lớn” để đảm bảo tính nghiêm minh, minh bạch của quy định, bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể để tránh việc tùy tiện, lạm dụng pháp luật, ảnh hưởng đến quá trình xét khen thưởng.
- Quy định tại khoản 6 Điều 39, khoản 6 Điều 40, khoản 6 Điều 41 và khoản 7 Điều 70 dự thảo luật: Đề nghị bổ sung cụm từ: "chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước" trước cụm từ "được bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận đề nghị", giúp nội dung quy định được đầy đủ, đảm bảo sự bình đẳng trong việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tránh việc chưa xem xét kỹ lưỡng và toàn diện đã triển khai thực hiện công tác khen thưởng, dẫn đến việc phải thu hồi khi phát hiện vi phạm pháp luật, tạo dư luận không tốt trong công tác thi đua, khen thưởng.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - UVBCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
2. Đối với dự thảo luật Luật Điện ảnh (sửa đổi)
- So với Luật Điện ảnh hiện hành thì dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nhiều quy định rõ ràng, tiến bộ và cụ thể hóa nội dung trong hoạt động điện ảnh. Theo Luật Điện ảnh hiện hành, việc cấp phép phổ biến phim, quyết định phát sóng phim trên truyền hình được thực hiện căn cứ trên ý kiến của Hội đồng thẩm định phim. Hội đồng thẩm định sẽ đánh giá phim căn cứ vào tiêu chuẩn không vi phạm các quy định cấm tại Điều 11. Nếu nội dung phim có vi phạm thì phải lược bỏ một hoặc nhiều cảnh, phải sửa lời thoại; nếu không sửa được thì không cho phép phát sóng. Ở góc độ quản lý nhà nước, những quy định về thẩm định phim trước khi cấp phép phổ biến phim nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, thuần phong mỹ tục và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, hành lang pháp lý của công tác thẩm định phim chưa được rõ ràng, luật hiện hành không quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn thẩm định. Do vậy, việc xác định vi phạm, cách thức cắt xén, chỉnh sửa đều do Hội đồng thẩm định phim quyết định. Do đó, nếu không có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phim, việc này là vi phạm vào quyền được bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ.
- Điểm mới và khá quan trọng là dự thảo luật đã bổ sung điều, khoản quy định về phân loại phim. Theo đó, sẽ có 06 cấp độ quy định tại khoản 1 Điều 32 dự thảo luật gồm:“a) Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; b) Loại T18: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; c) Loại T16: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; d) Loại T13: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; đ) Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; e) Loại C: Phim không được phép phổ biến.”
- Về quy định tại điều 31 dự thảo Luật: Hội đồng thẩm định phim theo như dự thảo luật được gọi là Hội đồng thẩm định và phân loại phim. Tuy nhiên, các quy chuẩn để thẩm định và phân loại thì dự thảo luật chưa quy định cụ thể. Theo đó, vẫn giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng. Liệu rằng quy chế này sẽ đưa ra bộ tiêu chuẩn như thế nào để thẩm định và phân loại ra sao? Với “cái bất biến” hiến định cũng như với những nguyên tắc lập pháp theo chuẩn mực quốc tế. Vấn đề làm thế nào để cân bằng mục đích giữa quản lý Nhà nước với quyền tự do sáng tạo và quyền được bảo vệ toàn vẹn tác phẩm cần phải có sự quy định cụ thể, nhằm khắc phục sự “tùy tiện”, “cảm tính” ảnh hưởng đến sức sáng tạo cũng như cản trở sự phát triển điện ảnh. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn trong dự thảo Luật Điện ảnh để Hội đồng thẩm định phim có căn cứ pháp lý trong kiểm duyệt, phân loại phim. Và các tiêu chí, tiêu chuẩn này phải đảm bảo không vi phạm quyền sáng tạo nghệ thuật của cá nhân, không xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác giả.
- Đối với quy định về “Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh”: Đại biểu còn băn khoăn, vì nếu quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh thì phải đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, đồng thời các mục chi, nhiệm vụ chi của Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh không trùng lặp với nhiệm vụ chi từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, Luật Ngân sách Nhà nước đã nêu rõ: “ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định pháp luật thì phải phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước và quỹ này phải có khả năng tài chính độc lập, có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, quy định tại các Điều 42, Điều 43 và Điều 44 của dự thảo Luật lại chưa đảm bảo tính thống nhất với khoản 11 Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước và một số nhiệm vụ chi quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật lại trùng với các nhiệm vụ chi được xác định tại khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật.
Thực tiễn cho thấy, Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 nhưng đến nay đã 16 năm, Quỹ này vẫn chưa được thành lập do không đảm bảo được nguồn thu. Hạn chế này đã được quy định trong dự thảo luật, giao Chính phủ quy định chi tiết nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh, tuy nhiên Nghị định của Chính phủ kèm theo hồ sơ dự thảo Luật còn chung chung, một số nguồn thu từ ngân sách nhà nước đưa vào Quỹ này không đảm bảo tính phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước. Trước đây, khi thông qua dự án luật kèm theo 01 loại Quỹ, thực tế có một số Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước rất cần thiết, đáp ứng và giải quyết tốt những vấn đề trong thực tiễn. Tuy nhiên, có nhiều Quỹ không thiết thực và hoạt động không hiệu quả cần phải bãi bỏ. Đại biểu cũng thống nhất cao với kiến nghị trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước đối với Quốc hội: “đối với một số quỹ không cần thiết, hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các Luật thì đề nghị bãi bỏ” và Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh là một trong các Quỹ 16 năm không triển khai được trên thực tế. Do đó, cần cân nhắc, xem xét phương án không nên quy định Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh vào dự thảo Luật Điện ảnh. Trường hợp nếu tiếp tục quy định vấn đề Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh trong dự thảo luật, cần đảm bảo phù hợp các nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và phải có phương án rõ ràng, khả thi về nguồn thu của Quỹ, để đảm bảo Quỹ có thể thành lập và đi vào hoạt động, về cơ chế quản trị của Quỹ, đồng thời quy định các nhiệm vụ chi của Quỹ không được trùng lắp với các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước đã đảm bảo. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính: “ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí cho các quỹ ngoài ngân sách, các nhiệm vụ chi này đã được quy định trong nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước, vì vậy ngân sách Nhà nước sẽ không cấp vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách”, nên cần xem xét phương án không nên quy định vấn đề Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh vào dự thảo luật.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - UVBCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
3. Đối với dự thảo luật Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
- Các quy định về loại hình bảo hiểm là nội dung rất quan trọng, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các chủ thể trong kinh doanh bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm là quan trọng với nhiều bên như bảo vệ lợi ích của người cung cấp dịch vụ, người làm hợp đồng và người thụ hưởng bảo hiểm, thực tế cũng có trường hợp người ký hợp đồng bảo hiểm nhưng lại cho người khác. Đề nghị ban soạn thảo rà soát các loại hình bảo hiểm để đảm bảo cách phân loại có hệ thống và thống nhất trong dự thảo Luật. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 15 quy định có các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm: “a) Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe; b) Hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, không bao gồm bảo hiểm trách nhiệm; c) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm”. Tuy nhiên, tại Điều 7 dự thảo luật lại quy định có 03 loại hình bảo hiểm. Để đảm bảo tính thống nhất đề nghị Ban soạn thảo xem xét nên quy định tại khoản 1 Điều 15 gồm 03 loại hợp đồng bảo hiểm cho phù hợp và mỗi hợp đồng bảo hiểm có các nghiệp vụ bảo hiểm của từng loại hình bảo hiểm do Chính phủ quy định.
- Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về: Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 02 Quỹ này đều hướng đến việc bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Do vậy, việc duy trì cả 02 Quỹ này là không cần thiết, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm. Do đó, đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao lại Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ.
- Về quy định Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu tại Điều 25 dự thảo Luật: tại điểm b, khoản 1 quy định về một trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu như sau: “Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại”. Quy định này chưa rõ và chưa đảm bảo tính khả thi. Cụm từ “đối tượng bảo hiểm không tồn tại” có thể được hiểu là “không có đối tượng bảo hiểm” hoặc “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý”. Trường hợp được hiểu là “không có đối tượng bảo hiểm” thì quy định hợp đồng vô hiệu là hợp lý, tuy nhiên trong trường hợp “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý” lại chưa phù hợp. Những tài sản hình thành trong tương lai, như nhà ở cũng được xem là một loại tài sản được bảo hiểm. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhà ở chưa tồn tại về mặt vật lý. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh cụ thể quy định khoản này để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng và phù hợp khi xác định các trường hợp hợp đồng vô hiệu, đảm bảo tính dễ tiếp cận, dễ thực hiện của dự thảo Luật.
- Về quy định hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm tại Điều 11 dự thảo luật: Tại khoản 2, Điều 11 quy định: "Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm”. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định này, nhằm bảo đảm thống nhất và phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Bộ Luật Dân sự năm 2015. Điều 21 Hiến pháp quy định: "Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”; Điều 38 Bộ Luật Dân sự quy định: "Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình biết được trong quá trình xác lập và thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác". Không có cơ sở nào để đảm bảo các công ty bảo hiểm không cung cấp thông tin khách hàng cho một tổ chức, cá nhân khác khi chưa có sự đồng ý của khách hàng. Trên thực tế, nhiều công ty công nghệ hiện nay cung cấp thông tin khách hàng bất hợp pháp. Do vậy, đề nghị trong dự thảo Luật cần phải có điều khoản quy định về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.
- Về quy định điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Điều 141 dự thảo Luật: khoản 1, điều 141 quy định cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm về tư vấn.
Đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định về trình độ đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, vì cá nhân đó có sự hiểu biết về lĩnh vực liên quan hoặc chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm, tính chuyên nghiệp thì đã đủ điều kiện. Thực tế hiện nay, một số cá nhân tư vấn được Công ty bảo hiểm đào tạo các kỹ năng, giới thiệu các dịch vụ của đơn vị để tư vấn đến khách hàng nhưng trình độ có thể chưa đạt yêu cầu trên. Do đó, đề nghị xem xét, quy định cho phù hợp.
- Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 dự thảo Luật: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung quy định “Tiếp thị, quảng cáo bán bảo hiểm gây phiền hà, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức”. Thực tế cho thấy, tình trạng một số doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên tư vấn, tiếp thị, giới thiệu, quảng bá về bảo hiểm diễn ra dưới nhiều hình thức, như sử dụng công nghệ thông tin để tư vấn, quảng bá trên không gian mạng, tin nhắn, điện thoại thường xuyên, liên tục, gây bức xúc, phiền hà cho khách hàng./.