Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 20-6-2024, Quốc hội thảo luận tại Tổ cho ý kiến về dự án Luật Luật Địa chất và khoáng sản và dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn ĐBQH: Bình Phước, Bình Thuận, Hòa Bình và Yên Bái.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước - Vũ Ngọc Long phát biểu tại phiên họp tổ
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh - ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị cơ quan soạn thảo, đặc biệt là cơ quan thẩm tra lưu ý để có cách tiếp cận và có thời gian chỉnh sửa để dự thảo luật đáp ứng được 2 mục tiêu: bảo vệ khoáng sản quốc gia và hài hòa lợi ích giữa cá nhân, tổ chức, địa phương, các nơi có quy hoạch thăm dò, khai thác cũng như dự trữ khoáng sản. Đại biểu Vũ Ngọc Long cho biết, về quy hoạch bauxite, Bình Phước liên quan đến 2 quy hoạch là quy hoạch thăm dò, khai thác và quy hoạch dự trữ với tổng diện tích 100.000ha. Với những quy định Luật hiện hành thì quy hoạch thăm dò, khai thác hay dự trữ thì không được làm gì trên vùng quy hoạch khoáng sản. Trong khi đó, giá của bauxite hiện rất thấp, việc thu hồi, bảo vệ khoáng sản bauxite trên vùng dự trữ hoặc khai thác để làm công trình về kinh tế - xã hội không hiệu quả. Theo đại biểu Vũ Ngọc Long khái niệm về nhận biết khoáng sản chưa có, nguyên tắc về bảo vệ tài nguyên không thấy rõ, luật cũng chưa cá biệt hóa giữa tài nguyên được dự trữ và tài nguyên khai thác; chưa có sự phân biệt giữa các loại khoáng sản có giá trị cao, nằm tập trung, khu vực khai thác đối hẹp như sắt, đồng. Trong khi khoáng sản bauxite, titan là trải rộng bảo vệ như luật hiện hành hay dự thảo luật sửa đổi là chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị luật phải làm rõ các vấn đề sau: có biệt hóa về giá trị khoán sản; phân biệt chính sách đối với khoáng sản dự trữ và khoáng sản thăm dò, khai thác. Nếu luật không quy định chi tiết thì điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết các chế định để đại biểu yên tâm khi tiếp cận hồ sơ của luật, biểu quyết thông qua luật....
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại phiên họp tổ
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu rõ, Luật khoáng sản năm 2010 và đến nay thì sau gần 14 năm thi hành có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một số quy định của Luật khoáng sản vẫn còn một số bất cập, khó khăn, vướng mắc và không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, ngành công nghiệp khai khoáng trong nền kinh tế nước ta thời gian qua khá quan trọng. Tuy vậy, công nghiệp khai khoáng của nước ta chưa phát triển hết tiềm năng mà chỉ tập trung vào việc khai thác, chưa đủ công nghệ, năng lực để đầu tư chế biến nhiều loại khoáng sản, trong đó có khoáng sản mang tính chiến lược như đất hiếm để mang lại hiệu quả kinh tế…. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo có báo cáo rõ về nội dung này và đồng thời quy định trong dự thảo luật. Từ cơ sở đó, có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn đối với lại ngành công nghiệp khai khoáng; bổ sung giải thích về đóng cửa mỏ khoáng sản để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch. Về phân nhóm khoáng sản, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang đây là một trong những điểm mới của dự thảo luật và là cơ sở khoa học xuyên suốt cho việc xây dựng nội dung các chương, điều, khoản. Tuy nhiên, quy định khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng cần phải xác định lại để phù hợp với các quyết định mới ban hành của Thủ tướng Chính phủ...
Đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch theo hướng là cải cách thủ tục hành chính cũng như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương và phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện tương ứng với từng loại quy hoạch. Quy định như vậy sẽ gắn trách nhiệm kiểm soát và giám sát để đảm bảo được sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn...