Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 21-6-2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 - 01 - 2025. Tuy nhiên, để các luật sớm có hiệu lực từ ngày 01 - 8 - 2024, Chính phủ đã có Tờ trình đề nghị sửa đổi thời điểm thi hành một số điều, khoản chuyển tiếp của các luật trên. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (1 luật sửa 4 luật).
Phó Trưởng ban Thường trực, Phụ trách Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội - Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội trường
Phát biểu góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực, Phụ trách Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ về việc đề nghị điều chỉnh thời hạn có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 đối với các luật trên. Theo đại biểu, việc ban hành sớm Luật Đất đai có lợi cho người sử dụng đất. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa kèm theo các điều kiện để bảo toàn diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay. Điều này cũng tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới, nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp nói chung của đất nước; tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân được chuyển nhượng thuận tiện hơn hoặc chuyển đổi nghề bảo đảm cuộc sống. Đại biểu cho biết, hệ thống nhà màng, nhà kín, phun tưới tự động chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng khi không sử dụng lại có giá trị thu hồi rất thấp…Vì vậy, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa lên tới hàng chục ha, đã tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 cho phép hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất thay vì 10 lần như Luật Đất đai 2013 đã tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện các dự án có quy mô lớn hơn, qua đó sẽ làm gia tăng giá trị sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn so với trước. Bên cạnh đó, các cơ chế cho thuê đất nông nghiệp để thuận tiện cho người có nhu cầu sử dụng đất dùng sản xuất nông nghiệp và nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo quy hoạch; được sử dụng đất kết hợp vào nhiều mục đích khác nhau để làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Đại biểu đề nghị Chính phủ quyết tâm hơn nữa và cam kết trước Quốc hội trong việc khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như hỗ trợ các tỉnh trong việc xây dựng - ban hành các quy định liên quan đến thẩm quyền địa phương...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề
Phát biểu giải trình, báo cáo một số nội dung các đại biểu đã đề cập tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan hữu quan để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn cũng như các việc làm cần thiết để sớm triển khai 4 luật vào thực tiễn cuộc sống theo đúng như thời hạn quy định. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các ĐBQH tại Tổ và tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến, đề xuất đóng góp để sớm hoàn thiện dự án 1 luật sửa 4 luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; ủng hộ việc sớm thi hành các luật nhưng các đại biểu cũng góp ý nhiều ý kiến về tính khả thi, mức độ đáp ứng các điều kiện đảm bảo thi hành luật, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Các đại biểu đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm khẩn trương ban hành và chỉ đạo các Bộ, ngành hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ và lộ trình phù hợp. Rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật. Nhận diện rõ, đầy đủ các rủi ro, thách thức, hệ quả tiêu cực, có giải pháp kiểm soát, khắc phục và quy định rõ về trách nhiệm liên quan và báo cáo thông tin lại cho các ĐBQH sau ngày luật được thông qua. Không để xảy ra khoảng trống và kẽ hở pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm. Không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp cũng như cản trở sự phát triển. Không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi và đối tượng chịu tác động môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Các đại biểu cũng có đề nghị cần xin ý kiến các ĐBQH để đảm bảo sự thống nhất và đồng thuận cao trước khi thông qua Nghị quyết. Ý kiến của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại Tổ và tại hội trường của các ĐBQH; tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét và quyết định.