Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 20-6-2024, Quốc hội thảo luận tại Tổ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn ĐBQH: Bình Phước, Bình Thuận, Hòa Bình và Yên Bái
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XV thông qua đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới, đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 do Chính phủ trình được bố cục thành 05 Điều, sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngàỵ 01/8/2024. Riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 01 - 01 - 2025.
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ thống nhất quan điểm, đây là các Luật hết sức quan trọng. Khi có hiệu lực thi hành sẽ tháo gỡ, khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn hiện nay. Do đó, việc sớm triển khai các Luật này vào cuộc sống là hợp lý và cần thiết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Phan Viết Lượng phát biểu tại phiên họp tổ
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước - Vũ Ngọc Long phát biểu tại phiên họp tổ
Tuy nhiên, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, khi luật này thông qua, 20 nội dung đối với Luật Đất đai thuộc trách nhiệm hướng dẫn của địa phương sẽ rất phức tạp qua nhiều bước trong khi chưa có sự chuẩn bị tốt nên đại biểu rất băn khoăn. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, một số ngành trông chờ các luật này có hiệu lực để thực hiện và xử lý các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; một số ngành, lĩnh vực trong quan điểm xử lý những vấn đề quốc kế, dân sinh chờ luật này có hiệu lực. Trong số những điều khoản cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành, để thực hiện nhiều điều khoản áp dụng trực tiếp vào luật mà xã hội đang cần. Vì vậy, đại biểu thống nhất với tờ trình của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành hiệu quả các văn bản dưới luật vì hiện nay tình trạng nợ văn bản hướng dẫn chi tiết có văn bản kéo dài rất nhiều năm. Trong khi đó, các luật này có khối lượng văn bản hướng dẫn thi hành khá lớn và nhiều nội dung khó....
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu
Chủ trì nội dung thảo luận tại Tổ 15, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: tất cả các địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư, cử tri, Nhân dân đều mong muốn các Luật sớm có hiệu lực thi hành vì sẽ bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích; tháo gỡ nhiều vấn đề chồng chéo, bất cập; thẩm quyền và tính chủ động của các địa phương cũng được tăng lên... Đề nghị, Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn trước ngày các ĐBQH biểu quyết thông qua các dự án Luật này. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về các dự án Luật này, nhất là các nội dung đổi mới so với Luật hiện hành và những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như: quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để người dân cùng biết, cùng thực hiện và giám sát việc thực hiện.