Sáng ngày 28-5-2024, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận
Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 09 chương, 153 điều. Theo báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý điều 15 dự thảo Luật theo hướng: quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp. Về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 điều 4), do còn có ý kiến khác nhau và Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 02 phương án tại khoản 1 điều 4 dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận. Về Thẩm phán Tòa án nhân dân (Mục 3 Chương V); Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án (điều 114 và điều 118), UBTVQH đề nghị cho giữ quy định tại khoản 1 điều 90 dự thảo Luật cho phù hợp với đặc thù công tác xét xử; khắc phục được nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Về bảo vệ Tòa án (điều 140), để thống nhất với Luật Cảnh sát cơ động, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý như khoản 3 điều 140 dự thảo Luật. Trên cơ sở quy định này và thực tế yêu cầu cần thiết bảo vệ trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung danh mục các mục tiêu bảo vệ tại Nghị định số 39/2021/NĐ-CP phù hợp với thẩm quyền được Luật Cảnh sát cơ động quy định. Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 điều 141), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý như khoản 3 và khoản 4 điều 141 dự thảo Luật theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa,... Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp… (Phương án 1 quy định tại khoản 3 và khoản 4 dự thảo Luật); Một số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành (Phương án 2 không quy định khoản 3 và khoản 4 Điều 141 trong dự thảo Luật, mà thực hiện theo quy định của luật tố tụng và pháp luật có liên quan).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo, giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Chánh án Tòa án Nhân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật như quy định Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp; thẩm quyền thành lập và giải thể các Tòa án nhân dân; về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa; đổi mới Tòa án nhân dân theo thẩm quyển xét xử; bảo vệ Tòa án; nhiệm kỳ của thẩm phán;…
Chiều cùng ngày Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tham gia phiên họp
Phiên thảo luận có 25 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án Luật trình Quốc hội và cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được chỉnh lý. Đồng thời, các đại biểu phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo luật, nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả cao khi thi hành luật; vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô của cả nước xứng tầm trong giai đoạn mới, với tinh thần Hà Nội của cả nước, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội; đồng thời lưu ý rà soát để bảo đảm tính đồng bộ với hai văn kiện rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo luật quy hoạch và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Luật Xây dựng mà Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, cho ý kiến ngay tại kỳ họp này.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo, giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu, nghiên cứu nghiêm túc chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp trong thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội để xem xét cho ý kiến hoàn chỉnh dự thảo luật với chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp này.