Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 24-10-2024, Quốc hội thảo luận tại Tổ, đánh giá về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu.
Thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn ĐBQH: Bình Phước, Bình Thuận, Quảng Trị và Yên Bái.
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh
Tham gia phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ đồng tình cao đối với sự cần thiết kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, dự thảo Luật sẽ khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay về chính sách bảo hiểm y tế. Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến vào nhiều điều khoản cụ thể liên quan tới quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế; phương thức đóng bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, mức hưởng bảo hiểm y tế; thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh…
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung các nhóm đối tượng nhằm đảm bảo ổn định và bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như: người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; đối tượng người cao tuổi từ đủ 70 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tại khoản 1, 2, 3 Điều 12 được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế; đối tượng thoát nghèo, cận nghèo trong 03 năm đầu tiên và không thuộc đối tượng tại khoản 1, 2, 3 Điều 12 được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế; người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà các xã này nếu đạt chuẩn nông thôn mới, hoặc thoát khỏi tình trạng khó khăn, đặc biệt khó khăn thì các chính sách hỗ trợ hầu như không còn được thụ hưởng, đặc biệt nhất là các chính sách về y tế. Về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế quy định trong dự thảo, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng với mức đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở đối với người thuộc hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình là khá cao, như vậy sẽ khó khăn trong việc vận động hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế đạt tỉ lệ 100%. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ nguyên mức đóng theo quy định hiện tại là 4,5% mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc quy định thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng sau 30 ngày là quá dài, sẽ hạn chế khuyến khích người dân tham gia, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, sửa đổi theo hướng thời điểm thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng sớm hơn.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại phiên họp tổ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Phan Viết Lượng phát biểu tại phiên họp tổ

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp tổ

Giám đốc Sở Công Thương - Vũ Ngọc Long phát biểu tại phiên họp tổ
Đối với dự án Luật Dữ liệu, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Về cơ sở chính trị, nội dung tại dự án Luật đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong những năm gần đây. Về cơ sở pháp lý, dự án Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp với hệ thống pháp luật hiện hành. Dự án Luật Dữ liệu có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều văn bản luật, dự án luật đang được xây dựng.
Tuy nhiên, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng Ban soạn thảo xem xét, cần nhắc khi thành lập quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia, vì hiện nay có nhiều quỹ ra đời kèm theo các luật chuyên ngành nhưng nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, Đại biểu cho rằng khái niệm dữ liệu được quy định trong dự thảo Luật quá lớn so với phạm vi điều chỉnh mà dự thảo Luật đưa ra, …