Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, ngày 22-10-2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Theo đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và thảo luận ở Hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Phát biểu gợi ý một số nội dung trọng tâm thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Đã có 81 ý kiến phát biểu tại Tổ, Hội trường và có 5 ý kiến góp ý bằng văn bản. Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý kiến để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tháng 8. Đồng thời gửi xin ý kiến tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về 6 vấn đề còn ý kiến khác nhau: Về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược (Điều 7 và Điều 8 sửa đổi); Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc (khoản 48 Điều 2 sửa đổi; Điều 17a bổ sung; các điều 31, 32, 33, 36, 37 và 38 sửa đổi; Điều 47a bổ sung); Về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược (Các điều 43, 44 và 46 sửa đổi), cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 53a bổ sung); Về đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Điều 55 và Điều 56 sửa đổi); Về quản lý giá thuốc (các điều 107, 109, 110, 112 và 113 sửa đổi; khoản 48 Điều 1 bãi bỏ Điều 114)…
Phát biểu thảo luận tại Hội trường các vị đại biểu Quốc hội đồng tình với việc ban hành dự án Luật này nhằm thể chế hóa Hiến pháp, phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật hiện hành, tuy nhiên để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua, các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến góp ý như: cần điều chỉnh về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân trong chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược; làm rõ một số định nghĩa của dự thảo Luật; cần tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dược; phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc; cần quy định rõ hơn về chuyển đổi số trong ngành dược; cần thiết rút ngắn thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc; quy định cụ thể hơn nữa các chính sách trong dự thảo Luật; bổ sung vào quy định cấm đối với hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng với danh mục được cho phép; cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dược; rà soát toàn bộ dự thảo Luật, không luật hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Để làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc đang là bài toán chung của nhiều quốc gia, nhất là sau đại dịch Covid-19, không chỉ ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng cần đảm bảo nhiều yếu tố tổng thể… Theo đó, cần đảm nguồn cung ứng thuốc ra thị trường; phát triển được công nghiệp dược trong nước; giải quyết các vấn đề khó khăn về mua sắm, đầu thầu; công tác tổ chức thực hiện từ vấn đề cấp phép lưu hành, mua sắm, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở y tế… Về vấn đề thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử… có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử…
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây là đạo luật rất quan trọng, đã được Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đã nhận được sự đồng thuận rất cao; mong muốn sẽ được các vị đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp này để đảm bảo tính tương thích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận phiên thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật Đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đã có 11 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, đặc biệt trong đó có 8 đại biểu trong ngành y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đa số ý kiến đại biểu đều hướng đến tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật, nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý dược, đấu thầu mua sắm thuốc, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời và giá cả hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi, ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp dược. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).