Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp
Theo đó, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và thảo luận ở Hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Phát biểu gợi ý một số nội dung trọng tâm thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, được các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, đồng thời cũng đã được lấy ý kiến của các Đoàn ĐBQH. Tại phiên họp Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung như phạm vi, đối tượng điều chỉnh, khái niệm “người tiêu dùng”, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội, việc thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
Phát biểu thảo luận tại Hội trường các vị đại biểu Quốc hội đồng tình với việc ban hành dự án Luật này nhằm thể chế hóa Hiến pháp, phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật hiện hành, tuy nhiên để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua, các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến góp ý như: Cân nhắc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng; Giải thích rõ quy định về nghĩa vụ người tiêu dùng cần tuân thủ; Quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại; Cân nhắc điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Cần bổ sung mối quan hệ pháp lý giữa cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công với công dân; Quy định rõ ràng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa; Bỏ quy định giá trị giao dịch để giải quyết vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Làm rõ quy định kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận; Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các Luật có liên quan; Hoàn thiện các biện pháp khắc phục để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Cần quy định bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng khi sản phẩm không đúng theo cam kết; Nâng cao hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên thảo luận, đã có 22 lượt ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến chất lượng để hoàn thiện dự án luật trên một số nội dung như phạm vi, khái niệm điều chỉnh, khái niệm người tiêu dùng, áp dụng pháp luật, tính thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của các tổ chức xã hội…và ý kiến phát biểu của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, sẽ được tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc, giải trình kỹ lưỡng để đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.