Chủ trì Hội nghị có bà Điều Huỳnh Sang - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh và ông Trịnh Thanh Tam, Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Với sự tham gia của hơn 50 đại biểu tham dự đến từ các cơ quan trong tỉnh, gồm: Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, lãnh đạo Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đại diện lãnh đạo cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự ra đời rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra. Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự bao gồm 7 chương, 71 điều, tập trung chủ yếu vào 6 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13-6-2022, bao gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh trong hoạt động phòng thủ dân sự; phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai dịch bệnh; quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng thủ dân sự quốc gia; hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.
Đại biểu dự Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời từ thực tiễn cuộc sống, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể vào dự thảo luật như: bổ sung nội dung “thảm họa sự cố dịch bệnh” vào Điều 5 quy định các dạng thảm họa, sự cố; bổ sung nội dung “đặc điểm dân cư” vào mục b khoản 2 Điều 6 quy định về căn cứ đánh giá mức độ rửi ro về thảm họa, sự cố; bổ sung nội dung “phối hợp ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sự cố” vào Điều 8 quy định về hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự; bổ sung nội dung “bảo vệ tài sản nhà nước và nhân dân”, “khắc phục hậu quả môi trường, ổn định đời sống nhân dân” vào Điều 25 quy đinh về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1; bổ sung nội dung “đường giao thông, cầu cống, đê điều” vào mục b khoản 2 Điều 44 về hỗ trợ tu sửa nhà ở, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học; bổ sung nội dung “thông báo về tình trạng khẩn cấp” vào Điều 58 quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ trách nhiệm của HĐND các cấp được quy định tại Điều 65; bổ sung thêm “trách nhiệm của Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Phát thành - Truyền hình và Báo địa phương” trong công tác phát sóng các bản tin dự báo, cảnh báo sớm và thông báo cá thảm họa, sự cố đến người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Điểu Huỳnh Sang - Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh kết luận
Kết thúc Hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Điểu Huỳnh Sang - Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu và ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đồng thời làm cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu tham gia phát biểu ý kiến tại kỳ họp sắp tới./.