Cảnh sát cơ động là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong ngành công an nhân dân. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực đang tác động trực tiếp đến an ninh trật tự của nước ta đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật Cảnh sát cơ động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong luật là quá rộng, dễ phát sinh những hệ lụy khác, đồng tình với quan điểm đó, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Hữu Chính đề nghị cần có quy định rõ trong luật hoặc văn bản dưới luật và quy định rõ một số trường hợp khác mà lực lượng cảnh sát cơ động được sử dụng biện pháp vũ trang như: Trấn áp các hoạt động gây rối, bạo loạn của bọn cầm đầu quá khích; trấn áp bọn chủ mưu, cầm đầu các vụ bạo loạn có vũ trang; trấn áp các hoạt động vũ trang của địch và tội phạm nguy hiểm. Dự án Luật Cảnh sát cơ động dự kiến được thông qua tại kỳ họp này, gồm có 05 Chương, 30 Điều, Luật nhằm luật hóa những quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Trong phần thảo luận vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là nên hay không bỏ thanh tra cấp huyện, quá trình thảo luận còn có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất tán thành việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện và luồng ý kiến thứ hai là không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang phát biểu thảo luật tại tổ về dự án luật Thanh tra (sửa đổi)
Phát biểu thảo luận về dự án luật này, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang cho rằng huyện là cấp chính quyền quan trọng. Cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang đề nghị quy định rõ về biên chế tối thiểu và số phòng chuyên môn, nghiệp vụ của thanh tra cấp tỉnh. Vì thực tế hiện nay, số lượng biên chế của thanh tỉnh mỗi nơi mỗi khác, như Bình Phước là rất thấp, chỉ 27 biên chế, không đảm bảo những yêu cầu quy định trong Luật Thanh tra.
Theo các đại biểu, dự thảo luật Thanh tra (sửa đổi) đã kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra Nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên, quy định chưa đủ mạnh, dễ chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước. Do đó, dự án Luật cần quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước./.