Ảnh. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 với 453 đại biểu tán thành, bằng 90,96%. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), trong phiên thảo luận đa số các ý kiến của đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành dầu khí đảm bảo an ninh năng lượng, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đồng bộ hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về dầu khí. Đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ giữa các bộ, ngành, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý để thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào một số nội dung như: phạm vi điều chỉnh, tên gọi của dự án luật, việc điều chỉnh các hoạt động chung, hạ nguồn dầu khí, chính sách thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức ngoài nước để phát triển ngành dầu khí. Công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí. Căn cứ pháp lý để điều tra, khai thác các dạng năng lượng mới, các nguồn dầu khí phi truyền thống như khí than, khí đá phiến. Phân công phân cấp quản lý nhà nước về dầu khí từ trung ương đến địa phương, thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An phát biểu giải trình một số nội dung mà các đại biểu quan tâm, đây là những ý kiến quý báu giúp cho cơ quan chủ trì soạn thảo nhìn rõ hơn nhiều vấn đề còn chưa được đề cập đầy đủ và thấu đáo trong dự thảo luật và thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội đối với sự phát triển của ngành dầu khí đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Bộ Công Thương xin trân trọng tiếp thu nghiêm túc và tối đa các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới và mong sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến nữa của các vị đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phiên làm việc buổi chiều Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Với số đại biểu Quốc hội tán thành 449, bằng 90,16%; biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) với số đại biểu Quốc hội tán thành là 428, bằng 85,94%. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, trong phiên thảo luận đa số ý kiến của đại biểu đều thống nhất Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và các gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo quan tâm các nội dung như: Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật; các quy định để đảm bảo quản lý của nhà nước đối với tần số vô tuyến điện là tài sản công quan trọng của quốc gia; quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng; về cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua đấu giá, thi tuyển và cấp phép trực tiếp; việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ cấp phép quy định để sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng được kết hợp sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải cho biết về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và Nhà nước, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả công khai, minh bạch tần số vô tuyến điện, tài sản công quốc gia có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đảm bảo yêu cầu hội nhập, lợi ích quốc gia, chủ quyền số quốc gia, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia từng bước phát triển kinh tế số và xã hội số. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu tại hội trường, tại tổ để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.