Qua kết quả làm việc của Đoàn giám sát với phòng Kinh tế và phòng Y tế thành phố cho thấy, trong thời gian qua các đơn vị đã chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, tổ chức được 08 lớp tập huấn các văn bản liên quan đến quản lý về an toàn thực phẩm cho 365 lượt người tham dự. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 3.740 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó lĩnh vực Công thương có 1.353 cơ sở và lĩnh vực nông nghiệp có 2.386 cơ sở. Trong năm 2019 và 8 tháng đầu năm 2020, thành phố Đồng Xoài đã kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với 365 cơ sở sản xuất kinh doanh; quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ động vật và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, công tác xử lý chất thải. Kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm hành chính các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, với tổng số tiền hơn 38,590 triệu đồng, tiêu hủy 840 kg tỏi, 360 kg hành tây không rõ nguồn gốc và 225 kg thịt, xương, lòng heo không đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp; cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế, chưa được bồi dưỡng, tập huấn; điều kiện về trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất để phục vụ công tác quản lý chưa có; nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm còn hạn chế; chi phí để thực hiện xét nghiệm các mẫu thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo an toàn thực phẩm khá cao, vì vậy các đoàn kiểm tra hạn chế việc lấy mẫu để xét nghiệm.
Ban KT-XH HĐND thành phố giám sát công tác an toàn thực phẩm. Phát biểu tại buổi giám sát, ông Trần Hữu Hiền-Trưởng Ban KT-XH HĐND thành phố đề nghị phòng Kinh tế thành phố và phòng Y tế thành phố tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; phối hợp UBND các phường-xã rà soát, thống kê bổ sung các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh để phục vụ công tác quản lý; đồng thời, tiếp tục tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; nghiên cứu chuyên sâu các văn bản trong lĩnh vực an toàn thực phẩm để tham mưu cho UBND thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.