Theo báo cáo của các đơn vị, toàn tỉnh hiện có 10 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; 25 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 05 huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Phú Riềng. Trong những năm qua, việc tổ chức triển khai công tác hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các ấp đặc biệt khó khăn đã được các cơ quan, địa phương thường xuyên quan tâm, đời sống một bộ phân không nhỏ của người dân được nâng lên, cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, phục vụ thiết yếu cho người dân.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho các địa phương, nhất là các xã nghèo trong tỉnh. Đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Ông Điểu Điều - Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc. Theo Ban dân tộc tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020 tổng nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình là 141.058 triệu đồng. Trong đó, nguồn Trung ương phân bổ cho tỉnh: 128.655 triệu đồng (vốn ĐTPT: 102.256 triệu đồng; Vốn SN: 26.399 triệu đồng); Ngân sách huyện, xã là 11.606 triệu đồng và dân góp vào xây dựng chuồng nuôi, trồng cỏ, mua thức ăn…là 797 triệu đồng. tỉnh: 3.521,6 triệu đồng; thực hiện chung cho các hợp phần: Hỗ trợ phát triển sản xuất (hỗ trợ con giống, vật tư nông nghiệp: bò, dê, thuốc bảo vệ thực vật, bình xịt điện, máy phát cỏ ...) cho 2.855 hộ; Đầu tư cơ sở hạ tầng được 142 công trình như: công trình đường GTNT; công trình trường học; công trình điện; công trình nhà văn hóa; công trình thủy lợi; công trình giếng nước...
Tại buổi giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Nguồn lực đầu tư và hỗ trợ vẫn còn hạn chế so với nhu cầu cần hỗ trợ; công tác phối hợp của các đơn vị khi tổ chức triển khai vẫn còn thiếu thống nhất, chưa tốt; công tác đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ triển khai, người dân thụ hưởng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến một số nội dung hỗ trợ hiệu quả chưa cao; khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế; chưa đánh giá cụ thể hiệu quả của từng nội dung hỗ trợ....
Kết luận buổi làm việc, ông Điểu Điều – Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh đã đề nghị các đơn vị nghiêm túc ghi nhận các ý kiến của Đoàn giám sát, hoàn chỉnh báo cáo. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị trong thời gian tới cần chú trọng công tác tuyên truyền, trao đổi cụ thể để người dân khi hưởng được hỗ trợ phải nắm vững kiến thức thực hành, áp dụng có hiệu quả; nhân rộng các mô hình tiêu biểu; quan tâm đến công tác kiểm tra giám sát khi triển khai cho các địa phương.