Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch Covid - 19 tuy đã được kiểm soát và bao phủ vắc-xin nhưng lây lan dịch vẫn còn tiếp diễn; giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất đã ảnh hưởng nhất định đến quá trình khôi phục kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước những khó khăn đó, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã triển khai các Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tích cực và tập trung triển khai thực hiện các giải pháp Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh sớm vượt qua khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 6,91%, đứng thứ 2 vùng Đông nam bộ và thứ 35 so với cả nước; ước thực hiện thu ngân sách 6 tháng đầu năm là 7.250 tỷ đồng, đạt 55% dự toán HĐND tỉnh thông qua và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021 đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra; tổng chi ngân sách ước thực hiện là 8.179 tỷ đồng, đạt 52% dự toán HĐND tỉnh thông qua và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021; thu hút đầu tư trong nước chuyển biến tích cực, ước thực hiện 5.471 tỷ đồng, tăng 2,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2021, đạt 54,7% kế hoạch năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt. Cùng với cả nước, Bình Phước đã kiểm soát và tỷ lệ bao phủ vắc-xin đạt cao; lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội, dân tộc tiếp tục được quan tâm, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm; các chính sách cho người có công, công tác bảo trợ xã hội thực hiện kịp thời và hiệu quả; tình hình quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh về cơ bản được giữ vững.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng phát biểu tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế, như: giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đạt 30% so với kế hoạch tỉnh giao; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt thấp, chỉ đạt 12,3% so với kế hoạch năm 2022; tỷ lệ nợ thuế trên địa bàn tỉnh còn cao, tính đến ngày 31/5/2022, tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh là 1.197,122 tỷ đồng; việc thực hiện danh mục dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất qua các năm đạt tỷ lệ thấp về tổng số dự án và tổng diện tích thu hồi. Nhiều dự án được HĐND tỉnh thông qua đã quá 3 năm không thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa được rà soát, đề xuất đưa ra khỏi nghị quyết của HĐND tỉnh; chỉ số PCI Bình Phước năm 2021 giảm 0,25 điểm (từ 62,42 điểm xuống 62,17 điểm), đứng thứ 50/63 tỉnh, thành (gần giữa nhóm “trung bình”). Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của tỉnh đứng thứ 49/63 tỉnh, thành phố (giảm 9 bậc so với năm 2020); tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt thấp so với kế hoạch; tình trạng thiếu hụt nguồn lực bác sỹ còn khá lớn (toàn tỉnh thiếu khoảng 104 bác sỹ).
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế để tìm ra các giải pháp khắc phục đối với các chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch HĐND tỉnh đã thông qua.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cơ bản thống nhất với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 mà UBND tỉnh đã đề ra. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quan tâm một số nội dung, như: tiếp tục thực hiện tốt biện pháp thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách điều chỉnh là 14.250 tỷ đồng. Thực hiện tốt các giải pháp giảm nợ thuế, phấn đấu đưa mức nợ đọng thuế về dưới 5% tổng số thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có tổng nguồn vốn đầu tư lớn; kịp thời điều chỉnh, sửa đổi nội dung chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đã đề ra. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng, danh mục dự án cần thu hồi đất hằng năm của UBND các huyện, thị xã, thành phố; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến đất đai, doanh nghiệp; tập trung cải thiện các chỉ tiêu thành phần còn thấp, nâng cao các chỉ số PCI.