Trả lời chất vấn tại kỳ họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Bình cho biết: Đối với công tác quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, hằng năm, sở phối hợp với các đơn vị quản lý công trình tiến hành kiểm tra các hồ, đập, công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ. Thực hiện việc kiểm tra, thanh tra tại công trình định kỳ để quy định cụ thể định mức chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý được đẩy mạnh thông qua việc chuẩn bị đầu tư, sau đầu tư; sử dụng hiệu quả ngân sách đầu tư, khắc phục tình trạng yếu kém trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng; sử dụng, khai thác triệt để hiệu quả các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định mức chi phù hợp. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét sửa chữa, nâng cấp 17 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho nhân dân với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng; thực hiện kiên cố hóa khoảng 5km kênh mương nội đồng với tổng mức đầu tư 22,49 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Bình trả lời chất vấn tại kỳ họp
Bên cạnh đó, hằng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế các công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ. Từ đó, có văn bản tham mưu UBND tỉnh kịp thời xem xét, sửa chữa nâng cấp các công trình có nguy cơ mất an toàn cao. Kết quả, giai đoạn 2016 - 2021, tổng nguồn vốn thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình đảm bảo an toàn hồ đập là 85 tỷ đồng.
Về hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn: hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 41 công trình. Trong số các công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng, có 8 công trình hoạt động bền vững, 4 công trình hoạt động tương đối bền vững, 20 công trình kém bền vững, 8 công trình không hoạt động.
Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Sở Tài chính xem xét, bố trí vốn ngân sách tỉnh để thực hiện việc duy tu, sửa chữa thường xuyên và nâng cấp, đảm bảo an toàn cho các công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp. Tính đến hết năm 2021, nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách tỉnh là 15,132 tỷ đồng. Trên thực tế hiện nay, nguồn vốn ngân sách bố trí cho công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu cần sửa chữa các công trình.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền phát biểu tại kỳ họp
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho rằng vấn đề này đã được quan tâm nhiều mặc dù trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hiện đại hóa thủy lợi, thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Bình Phước, mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng tưới tiêu hiện đại, tiết kiệm. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai tốt các dự án, đảm bảo tính hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, có giải pháp thiết thực trong công tác quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi nói chung.