Trong khuôn khổ chương trình giám sát của Ban dân tộc HĐND tỉnh về kết quả thực hiện “Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025”, chiều ngày 26 - 9 – 2023, đoàn giám sát làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh - ông Điểu Điều chủ trì buổi làm việc, cùng dự có các thành viên Ban dân tộc HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành khác.
Ông Mai Xuân Tuân - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đều tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và người dân về chính sách, pháp luật có liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới và ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của xã hội. Từ năm 2018 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu UBND tỉnh 05 lần tổ chức Lễ phát động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cấp tỉnh (tổ chức luân phiên mỗi năm 01 lần tại các huyện, thị xã, thành phố (năm 2018, 2019 tổ chức tại Thành phố Đồng Xoài; năm 2020 tổ chức tại huyện Đồng Phú; năm 2021 tổ chức tại huyện Bù Đăng và năm 2022 tổ chức tại thị xã Chơn Thành; mỗi đợt Lễ phát động thu hút khối đông từ 600-700 người là lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên tại các trường cấp 2, 3; tuyên truyền trên xe lưu động và xe gắn máy từ 50-100 chiếc có treo cờ phướn; cấp phát 1.000-2.300 tờ gấp, tờ rơi tại Lễ phát động), vận động trao tặng các phần quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em người đồng bào dân tộc thiểu số tại buổi lễ. 100% các huyện, thị xã, thành phố đều hưởng ứng tổ chức Lễ phát động theo hướng dẫn của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Ngoài ra hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn tại các tỉnh, thành phố trong cả nước cho các đối tượng làm công tác bình đẳng giới như thành viên Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp tỉnh, huyện; cán bộ làm công tác BĐG tại các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành địa phương (mỗi năm khoảng 2 lớp với số học viên từ 10-30 lượt). Tại tỉnh, Sở Lao động, TBXH đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ cho gần 3.000 lượt đại biểu là lãnh đạo, công chức các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn, cộng tác viên công tác xã hội trong toàn tỉnh, trong đó lồng ghép nội dung phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Ông Trần Quốc Duy - thành viên Ban dân tộc HĐND tỉnh góp ý tại buổi làm việc
Trong quá trình thực hiện “Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2025”, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội gặp không ít khó khăn trong công tác lồng ghép các chỉ tiêu về phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương nên vẫn còn nhiều hạn chế. Một số địa phương xem vấn đề phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là việc của gia đình, ít áp dụng những quy định của pháp luật liên quan đến phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới để ngăn ngừa từ sớm. Nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới do xấu hổ, sợ dư luận, sợ trả thù hoặc vì phụ thuộc về kinh tế nên chịu đựng, đến khi cùng cực mới nói ra hoặc có hành động tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng, khi đó chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật mới vào cuộc và trong nhiều trường hợp đã xảy ra những hậu quả. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới còn diễn ra phức tạp, do địa bàn dân cư rộng nên việc phát hiện xử lý các vụ bạo lực đôi lúc chưa kịp thời. Ở địa bàn dân cư, quan hệ giữa người thi hành công vụ và đối tượng có hành vi bạo lực đôi khi mang tính chất “gia đình hóa”. Khi xảy ra bạo lực chính quyền địa phương xử lý thiên về hòa giải, trừ khi xảy ra vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Ngoài ra, Bình Phước là tỉnh đa dân tộc, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt là dân tộc sống ở vùng khó khăn, vùng biên giới, đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, có nơi có lúc việc tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả đến vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Ông Điểu Điều - Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Sau khi nghe báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn giám sát đã có những góp ý sâu sắc về nội dung. Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Báo cáo của sở đã chỉ ra nhiều vướng mắc, lúng túng cần tháo gỡ, nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị khá cụ thể. Những đánh giá thẳng thắn, nhận diện khách quan, chính xác kết quả tích cực, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân từ những vấn đề liên quan đến việc ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện mà Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nêu ra sẽ là cơ sở thực tiễn rất sinh động, xác thực để xác định các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung cụ thể./.