Trong phiên thảo luận buổi sáng về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); đã có 17 đại biểu phát biểu, có 3 đại biểu tranh luận, còn 2 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải, đề nghị các đại biểu gửi văn bản ý kiến đến Ban Thư ký kỳ họp để tổng hợp. Để giải trình, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết cấp bách đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là 2 dự án rất quan trọng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển đô thị hóa, góp phần mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực đô thị, giảm áp lực giao thông cho nội đô và các tuyến đường hiện hữu, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về tính cấp bách của các dự án, cũng như đề nghị làm rõ phạm vi và quy mô dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh lưu lượng xe lớn nhưng không đầu tư và đánh giá hiệu quả của các hình thức khai thác nguồn lực, quỹ đất của các khu vực có liên quan đến giá trị địa tô tăng thêm; đề nghị tính toán để đảm bảo kết nối hợp lý giữa đường Vành đai 3 của các trục hướng tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương lân cận. Các ý kiến đề nghị của đại biểu, Chính phủ sẽ cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của dự án, đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn, phân bổ nguồn lực, xem xét tính khả thi của tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội xem xét thông qua.
Ảnh: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi thảo luận.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong phiên thảo luận, đa số các ý kiến của đại biểu đều thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về sự cần thiết đầu tư đối với 3 dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu; Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Để làm rõ hơn một số ý kiến của đại biểu về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong phiên thảo luận có 16 ý kiến phát biểu, thay mặt Chính phủ cũng như Bộ Giao thông vận tải, tiếp thu toàn bộ và sẽ nghiên cứu kỹ để trong quá trình cùng các bộ, ngành tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với địa phương thực hiện sẽ rà soát, tiếp thu đầy đủ nhất ý kiến của các đại biểu Quốc hội để 3 dự án này được tốt hơn. Trong đó, về sự cần thiết, ngoài vấn đề tạo đột phá về giao thông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội thì tuyến đường Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề còn có ý nghĩa xã hội rất lớn. Đó là giữ người lao động ở lại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để không phải lên Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương vất vả mà hiện nay các tỉnh đang đối mặt với vấn đề di cư. Đối với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đây là một vùng hết sức tiềm năng. Do đó, hai dự án này không chỉ đột phá cho hai khu vực mới, không chỉ đảm bảo quốc phòng, an ninh tạo điều kiện để phát triển công nghiệp mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giữ người người lao động ở lại quê hương để vừa có kế sinh nhai tốt, nhưng đảm bảo nuôi dạy con cái và đào tạo các thế hệ tương lai tốt. Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đa số ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đa số các ý kiến đều đồng tình, thống nhất cao với Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết để ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Khánh Hòa, mục đích là để nhằm cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu. Trong quá trình nghiên cứu về các cơ chế chính sách cho Khánh Hòa sẽ tập trung vào những nguyên tắc, như bám sát vào các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết, Bộ Chính trị, Trung ương và của Quốc hội là phải tương thích với các cơ chế chính sách đã được Quốc hội cho 8 tỉnh trước đây áp dụng. Phải phù hợp với vai trò, vị trí, điều kiện thực tế của Khánh Hòa. Phải đảm bảo được quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo.
Ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải cho biết, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường. Các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa trình Quốc hội xem xét thông qua./.