Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm. Vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời. Trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và các tiêu chí lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đề xuất chất vấn của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội. Các phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 qua Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những vấn đề nổi lên thông qua Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 5 vấn đề và trình Quốc hội xem xét, biểu quyết lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Mở đầu chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn là nhóm được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Công tác tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Việc phối hợp xây dựng cơ chế chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản, giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát bình ổn giá các mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp; vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển bền vững; Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ. Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 đến nay, giá các loại hàng hóa tăng, cấp thiết đối với ngành nông nghiệp khó có thể giải quyết ngay…
Ảnh: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.
Trả lời các câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa vào nghị trường tại kỳ họp này và phiên chất vấn đã được Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII thảo luận chuyên đề về Tam nông, trước đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn. Vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị, vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp trung ương nhưng tổ chức thực hiện từ cấp cơ sở. Do đó, cần sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống, đó là yếu tố quyết định cho sự thành công. Nhận diện, phát hiện vấn đề không thể chỉ từ trong nội bộ tổ chức, vì tổ chức ít nhiều còn quán tính khuôn cứng, khó có thể vận hành, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời với những yêu cầu đa dạng, thay đổi liên tục từ đời sống thực tiễn. Do đó, Bộ trưởng cho rằng phiên chất vấn không chỉ dừng lại ở câu hỏi, trả lời chất vấn và giải trình mà là dịp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cả những vấn đề mới phát sinh từ thực tế cuộc sống sinh động và vận động không ngừng để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức trách trong vai trò quản lý chuyên ngành và khẳng định vị thế của ngành nông sản Việt Nam trên trường Quốc tế.
Để làm rõ thêm một số vẫn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn và giải trình nhiều vấn đề có liên quan./.