Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về nội dung này, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng; hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật. Theo báo cáo của đoàn giám sát, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ ràng, nhiều nội dung quy định chưa cụ thể nên còn ý kiến khác nhau về nội dung, mức độ thể hiện, dẫn đến lúng túng, vướng mắc trong triển khai; một số văn bản hướng dẫn liên quan đến quy trình lập quy hoạch và phương án phát triển mạng lưới điện lực, cụm công nghiệp, khoa học công nghệ có nội dung chưa thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, Luật còn thiếu các nội dung liên quan đến quy hoạch chuyên ngành văn hóa - du lịch, di sản....Theo các đại biểu, việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất cho công tác quy hoạch vẫn chưa được hoàn thiện. Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ quy định rõ khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch; quy định cụ thể về quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm phương pháp tích hợp quy hoạch trong lập quy hoạch, bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, làm phát sinh quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung quy hoạch. Trong đó, cần chú trong đến việc công bố, công khai thông tin quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước sẽ trở thành động lực sự tăng trưởng, dẫn dắt định hướng và thể hiện khát vọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành và từng địa phương, nếu quy hoạch có tầm nhìn tốt, chiến lược tốt và được quản lý chặt chẽ sẽ là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo các đại biểu, để khắc phục vấn đề này, người đứng đầu và các lãnh đạo của cơ quan, tổ chức lập quy hoạch dành nhiều thời gian nghiên cứu, lắng nghe sự góp ý và tư vấn của đội ngũ chuyên gia, nếu không thì quy hoạch sẽ chậm tiến độ và kém chất lượng.
Là cơ quan chủ trì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu, thay mặt cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác quy hoạch. Bộ trưởng thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao việc Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành để giám sát tối cao trong năm 2022. Đây là quyết định đúng đắn, sát thực tiễn, kịp thời, đổi mới trong công tác giám sát của Quốc hội khóa XV, thể hiện sự chia sẻ và đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề khó, vấn đề mới, vấn đề phức tạp giúp công tác điều hành của Chính phủ thuận lợi hơn. Đối với công tác quy hoạch, đó là đẩy nhanh công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới; trên cơ sở nghị quyết giám sát của Quốc hội lần này và các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, sẽ tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, trong đó chú trọng nhiều vấn đề nâng cao năng lực của đơn vị tư vấn và cán bộ quản lý nhà nước về quy hoạch. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu của quốc gia về quy hoạch, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, học tập, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế để đổi mới hoàn thiện về phương pháp và nội dung quy hoạch đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng quy hoạch mà Quốc hội đã đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội - Trần Quang Phương phát biểu kết thúc phiên thảo
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội - Trần Quang Phương phát biểu, qua một ngày làm việc tích cực, khẩn trương đã có 39 đại biểu phát biểu ý kiến và một ý kiến tranh luận. Đại diện cho Chính phủ có 5 Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát biểu với Quốc hội. Đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm sửa trực tiếp vào dự thảo nghị quyết và gửi ý kiến tham gia về Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp. Nhìn chung, nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đối với công tác quy hoạch, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm và mang tính xây dựng. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp, ghi âm, ghi chép đầy đủ và sẽ có báo cáo tổng hợp gửi trực tiếp bằng văn bản đến đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, giải trình và hoàn thiện các nội dung của dự thảo nghị quyết, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, có đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi khi triển khai tổ chức thực hiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào chiều ngày 16-6-2022./.