Buổi sáng, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên thảo luận.
Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến của đại biểu liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo nghị quyết; về nguyên tắc thực hiện thí điểm như: bảo đảm an toàn, tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện thí điểm, số lượng trại giam được áp dụng thí điểm, nguyên tắc lựa chọn ngành, nghề để tổ chức lao động, hướng nghiệp theo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 824; về quy định 11 trường hợp không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam tại khoản 4 Điều 1 dự thảo đã bám sát nguyên tắc thực hiện thí điểm chưa; căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo nghị định đã đầy đủ, cụ thể và rõ chưa; Việc áp dụng các chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập của doanh nghiệp hợp tác với trại giam, đây là quy định không phải chính sách khoan hồng như đặc xá hay tha tù trước thời hạn có điều kiện, mà là việc thay hình thức tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề từ trong trại giam ra ngoài trại theo những nguyên tắc thống nhất, chặt chẽ. Vì vậy, cơ quan soạn thảo, các cơ quan thẩm tra đều thống nhất phương án quy định nhằm tạo điều kiện lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trên cơ sở đã loại trừ các đối tượng nguy hiểm và kết quả chấp hành án kém; thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm. Ngoài ra, các đại biểu còn phát biểu thêm các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm. Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu của đại biểu đều thể hiện rõ quan điểm, đi thẳng vào vấn đề, phân tích ngắn gọn, có phương án đề xuất cụ thể. Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét.
Đại biểu Phan Viết Lượng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội – ĐBQH tỉnh Bình Phước
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội- ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng các quy định trong luật vẫn chưa có những đột phá để giải quyết triệt để về đấu giá tầng số vô tuyến điện, đồng tình với quan điểm này Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh cũng như làm rõ về chính sách sử dụng băng tần trực tiếp thông qua đấu giá, thi tuyển và các chính sách ưu đãi khác.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước.
Đối với Luật Dầu khí (sửa đổi), các đại biểu cho rằng các điều khoản về tài chính trong phạm vi dự án Luật chưa được đề cập cụ thể như chính sách ưu tiên, phương án chi ngân sách, huy động vốn đầu tư cho ngành dầu khí. Một số quy định chưa đảm bảo theo đúng thẩm quyền và các điều ước quốc tế. Do đó, đa số các ý kiến của đại biểu cũng đề nghị Luật cần bổ sung một số nội dung về xây dựng các công trình dầu khí; nêu rõ vị trí, vai trò của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đối với sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam./.