Buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến phát biểu liên quan đến các vấn đề như: về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; về hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng ở Điều 190; về cơ chế giao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; về sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; về quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại khoản 3 Điều 198b. Trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là nội dung mới được đưa vào tại dự thảo luật lần này. Theo đó, đã tiếp cận theo hướng mới là bổ sung các trường hợp miễn trừ trách nhiệm pháp lý nhằm thực thi cam kết tại Điều 12.55 Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, còn có ý kiến của đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung khái niệm dụng ý xấu được sử dụng tại các khoản 58, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 117; khoản 66 sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 130, Điều 1 của dự thảo luật vào điều khoản giải thích từ ngữ để rõ nghĩa hành vi cho các đối tượng áp dụng pháp luật được thống nhất và thuận lợi trong thực tế áp dụng giám định tư pháp. Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội phát biểu nhiều ý kiến xác đáng, trí tuệ, tâm huyết với tinh thần xây dựng và trách nhiệm rất cao để đóng góp ý kiến vừa có giá trị lý luận, vừa có tính thực tiễn rất cao để giúp Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để có thể trình Quốc hội xem xét thông qua tại cuối kỳ họp này.
Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại tổ
Buổi chiểu, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phát biểu ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang cho biết, trẻ em bị bạo lực, có đường dây nóng 111. Tuy nhiên, nếu điện vào cơ sở để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, bảo vệ quyền lợi người bị bạo lực chưa cơ chế xử lý, việc trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực, trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương chưa hoạt động thực sự hiệu quả, ở địa phương tuyên truyền chưa đảm bảo. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, đầu tư hạ tầng, điều kiện để đảm bảo thực hiện công tác bảo vệ người bị bạo lực nói chumg, nhất là trẻ em, vì đây là đối tượng thiệt thòi nhất. Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang cho biết, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dân chủ cơ sở thực hiện tốt hơn, củng cố niềm tin với Đảng và Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH và quốc phòng an ninh. Đồng tình với các nội dung trong dự thảo luật, đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội - ĐBQH tỉnh Bình Phước cũng đề nghị luật phải có quy định cụ thể về công khai tài chính, ngân sách, về hình thức công khi luật quy định 7 hình thức chủ yếu, tuy vậy 1 số hình thức chưa thực chất, như công khai qua hội nghị thì người dân khó tiếp cận và khó có được thông tin. Nếu chọn hình thức nào mà người dân chưa thấy thỏa mãn thì người dân nên có quyền yêu cầu chọn hình thức khác, quy định cần mở hơn; về thanh tra nhân dân, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng những tổ chức này đã đáp ứng được về kiểm tra nhà nước, bảo vệ quyền lợi nhân dân chưa, có những đơn vị thanh tra còn rất hình thức như cơ quan thanh tra nhân dân thuộc công đoàn, mà công đoàn chưa đủ quyền lực khi quyền lực của thủ trưởng rất lớn.
Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội - ĐBQH tỉnh Binh Phước phát biểu tại tổ
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật này sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, theo các đại biểu Luật chưa quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nhân dân, quyền và trách nhiệm của chính quyền cơ sở; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, dự thảo Luật nên tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với doanh nghiệp nhà nước, là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí./.