Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.
Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, cùng với những bất ổn của tình hình thế giới phát sinh từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến các biện pháp phục hồi kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra nhưng kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý IV/2021 và những tháng đầu năm 2022 có bước phát triển khởi sắc hơn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán, lạm phát được kiểm soát, xuất siêu đạt 4 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả ấn tượng, tăng trưởng 25,2%. Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất khó đoán định như hiện nay. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra theo nghị quyết của Quốc hội. Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các kịch bản để thích ứng với bối cảnh, tình hình chính trị, kinh tế của thế giới và khu vực, trong đó đề nghị Chính phủ quan tâm hơn một số nội dung như: xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam, năm 2021 đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu; du lịch là một trong những ngành đang phục hồi, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều địa phương. Nhờ tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao, công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phù hợp, kịp thời của Chính phủ, các giải pháp, kế hoạch của các địa phương được ban hành, triển khai nên hoạt động du lịch diễn ra sôi động tại nhiều địa phương trên cả nước; về vấn đề chậm giải ngân, thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch 2022 - 2023; về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021. Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85%, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý, làm phát sinh khoản chi ngân sách nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả; một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin…
Phát biểu trong phiên thảo luận đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Thứ nhất, bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công, khi được phân bổ từ trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc, dẫn đến chậm trong phân bổ vốn cho dự án. Thứ 2, công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước những khó khăn. Thứ 3, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực. Theo đại biểu việc lựa chọn nhà thầu rất nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, không ít nhà thầu khi thực hiện dự án có hiện tượng chây ỳ nhưng việc xử lý rất khó, thiếu kiên quyết và cũng thiếu các chế tài đủ mạnh. Để xử lý dứt điểm, đại biểu đề nghị cần phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu. Vì hiện nay, có quá nhiều chiêu thức để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính, nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu "sân sau", quen biết. Cần quyết liệt trong vấn đề này, vì thực hiện rất khó.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường sáng ngày 01/6.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công cùng hệ thống pháp luật liên quan vẫn còn những "lỗ hổng" dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả và chưa nghiêm. Cần một “cuộc cách mạng” trong việc lập các dự án mới trên tinh thần chủ động thực hiện, rút ngắn các khâu xin ý kiến và chờ thông qua mới triển khai lập dự án, mời thầu, đấu thầu…vì thực tế, một số dự án thời gian thực hiện quy trình đấu thầu gấp đôi thời gian chỉ định thầu. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề xuất đối với các dự án đầu tư công cần linh hoạt cho phép chỉ định thầu để rút ngắn thời gian, lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín theo từng dự án. Đối với quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét sửa hoặc ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công thì việc lập, giao dự toán thu ngân sách ở từng lĩnh vực đang phát sinh nhiều bất cập, gây áp lực cho từng ngành, địa phương, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, một trong những lĩnh vực mà các địa phương khó lập dự toán sát với thực tế là thu tiền sử dụng đất. Thời gian qua, thị trường bất động sản sôi động khắp cả nước khiến cho thu tiền sử dụng đất tại nhiều địa phương tăng cao. Tuy nhiên, tiền sử dụng đất là nguồn thu được các địa phương xác định là không bền vững mà mang tính thời điểm. Khi thị trường ổn định, bão hòa, quỹ đất và định mức đất ở không còn thì nguồn thu từ sử dụng đất sẽ trở về vị trí thật của nó. Do đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề Chính phủ cần có sự phân bổ dự toán hợp lý, xây dựng giải pháp khơi thông các dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững; có chế tài đủ mạnh đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công, để không còn điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”./.